Giọng điệu chủ yếu trong truyện ngắn
của Nguyễn Ngọc Tư
 

 

Nguyễn Trọng Bình

 

 

Giọng điệu là một yếu tố quan trọng trong việc xác định phong cách của một tác giả. Một nhà văn muốn có phong cách riêng nhất thiết phải có một “giọng điệu” riêng. Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” [1] thì“Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả, có vai trò rất lớn tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc.” Giáo sư Trần Đình Sử trong “Một số vấn đề về thi pháp học hiện đại” [2] cũng cho rằng: “Phân tích tác phẩm mà bỏ qua giọng điệu tức là tước đi cái phần quan trọng tạo nên bản sắc độc đáo của nhà văn”.

Qua khảo sát truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi nhận thấy nếu xem giọng điệu như một yếu tố nhằm thể hiện nội dung và chủ đề của tác phẩm thì giọng điệu chủ yếu trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là giọng buồn nhưng không chán chường, ủ dột. Còn như xem giọng điệu từ góc nhìn nhằm thể hiện thái độ, quan điểm của tác giả trong quá trình trần thuật, thì giọng điệu chủ yếu trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là giọng điềm nhiên, trầm tĩnh. Tất cả những vấn đề này, ở góc độ nào đó chính là những nét riêng, độc đáo góp phần tạo nên phong cách của Nguyễn Ngọc Tư ở thể loại truyện ngắn.

 

1. Giọng buồn nhưng không chán chường

 

Có thể nói, ngay từ tập truyện đầu tay là Ngọn đèn không tắt, người đọc đã nhận ra cái giọng buồn này của chị. Chị buồn cho ông Hai Tương (Ngọn đèn không tắt) – ông già năm nào cũng đi kể chuyện lịch sử địa phương vì sợ thế hệ sau này không còn ai nhớ về các anh hùng đã ngã xuống vì quê hương xứ sở nhưng khi ông mất chẳng người nào nhớ; đồng thời chị cũng buồn vì sự hời hợt của những người “có trách nhiệm” về việc làm qua loa và hình thức của họ nhân dịp kỷ niệm ngày khởi nghĩa hàng năm của xã nhà:

Người ta gởi tới nhà Tư Lai một lá thơ. Thơ đề “kính gởi ông Hai Tương”. Cả nhà bối rối không ít. Ông Hai Tương đã ra người thiên cổ lâu rồi, thấy có người nhắc lại chồng, bà cụ Hai Tương nhớ quá, ứa nước mắt. Khui lá thơ ra thì ra là thơ mời nói chuyện khởi nghĩa.

Hay trong Nỗi buồn rất lạ người đọc cũng bắt gặp cái giọng buồn tênh của Nguyễn Ngọc Tư khi phải chứng kiến lối sống hờ hửng, “dửng dưng và tạnh quẽ với cuộc đời”… của lớp thanh niên trai trẻ trước những bất trắc của người khác:

“Thôi buồn quá. Tôi thấy mình thà chết còn sướng hơn, chứ còn trai trẻ mà sống làm chi dửng dưng, tạnh quẽ với cuộc đời như thế này.”

Có thể thấy, xuyên suốt tập truyện này là giọng buồn “mênh mang, sâu rứt” như vậy. Và càng về sau cái giọng buồn “mênh mang, sâu rứt” ấy càng lan tỏa khắp các tập truyện khác của chị. Buồn vì cái nghèo vẫn không chịu buông tha những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” trên những cánh đồng bất tận:

“Suốt những tháng năm sống tù đọng trên đồng, tôi có biết ai ngoài những người đàn ông quê mùa cũ kỹ. Tôi biết lấy ai trong số đó? Lấy một người cắm mặt xuống đất, mệt nhừ với vườn ruộng để mỗi khi giáp hạt, tôi nghe tiếng cạo cơm cháy của con, tiếng muổng dừa vét gạo dưới đáy thạp mà rát bỏng trong lòng? Hay tôi sẽ chọn một người chăn vịt, mê mỏi với những chuyến đi xa, sống cuộc sống hờ hửng tạm bợ, thấp thởm với rủi ro…?” (Cánh đồng bất tận)

Và buồn vì những mặt trái của đô thị hóa nông thôn làm nảy sinh nhiều vấn nạn tiêu cực:

“Mùa nắng quay trở lại, ngã ba Sương mọc thêm chừng chục quán nhậu nữa, muốn hay không cánh công an phòng chống tệ nạn xã hội cũng phải để ý cái chòm lu bu nầy. Phía báo đài đang dòm ngó. Một bữa, họ ập vào, quay phim chụp hình búa la xua. Đám tiếp viên che mặt, ôm đầu, chỉ có Diễm Thương là điềm nhiên trơ mắt ngó” (Cải ơi)

Như vậy, buồn trước hết chính là giọng điệu, là âm hưởng chung chi phối cả hệ thống truyện ngắn của chị góp phần làm nên một “cái nhìn khắc khoải” về thân phận con người, về những nỗi đau, những dâu bể trong cuộc đời người dân thôn quê vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy buồn “mênh mang sâu rứt” chỉ là một khía cạnh trong cái âm hưởng và giọng điệu chung của toàn bộ hệ thống truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta thấy con người tuy phải hứng chịu nhiều bất hạnh, oan trái nhưng trong từng lời nói và trong sâu thẳm suy nghĩ của họ vẫn luôn ánh lên một niềm tin: những khó khăn, vất vả cùng những đau khổ nhất định rồi sẽ qua đi. Người đọc không khó để nhận ra âm hưởng này trong rất nhiều truyện như: Ngày đã qua, Ngổn ngang, Cải ơi, Cuối mùa nhan sắc, Làm má đâu có dễ, Biển người mênh mông, Đau gì như thể, Bến đò xóm Miễu, Thương quá rau răm, Nhà cổ, Một dòng xuôi mải miết, Cánh đồng bất tận… Nói cách khác, một cách đầy đủ hơn, giọng điệu trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư tuy là buồn nhưng không chán chường. Vấn đề này nói như Trần Hữu Dũng là:Giọng buồn của Nguyễn Ngọc Tư không là tiếng than vãn thì thầm của một người lớn tuổi, nhưng là một lời thốt, lửng lơ, đứt ngang nhưng rất đủ của một người trẻ bỗng nhiên phát giác bất hạnh của cuộc đời, mà vẫn hi vọng. Xin đơn cử ra đây vài trường hợp tiêu biểu như sau:

Biển người mênh mông là truyện nói về ông Sáu Đèo phải ngược xuôi tìm vợ suốt bốn mươi năm trải qua không biết bao nhiêu là cơ cực khó khăn. Trên hành trình ấy ông tình cờ gặp được Phi – một anh thanh niên sống rất có tình nghĩa và họ xem nhau như những người tri âm, tri kỷ. Có thể thấy, âm hưởng và giọng điệu chung trong truyện ngắn này là nỗi buồn của hai con người một già một trẻ tình cờ gặp nhau giữa “biển người mênh mông”. Cuộc đời của họ nhìn chung đều trải qua những niềm đau nên trong lòng cả hai đều chất chứa trong lòng những nỗi niềm và kỷ niệm riêng mà hai người đã lâu lắm rồi mới có dịp chia sẻ với người khác. Tuy rất buồn nhưng qua cách nói năng, giao tiếp của họ người đọc cảm nhận được một sự tin yêu cuộc sống và con người. Đây là lời của ông già Sáu Đèo tâm sự với Phi qua lời kể của Nguyễn Ngọc Tư:

“Ông biểu, “Sống một mình thì buồn lắm, chú em nên nuôi con gì đó, con… vợ thì tốt nhất, nếu chưa tính chuyện đó thì nuôi chó, mèo, chim chóc. Đừng nuôi sáo, nuôi sáo kết cuộc rồi cũng chia ly hà, nó hay sổ lồng, chết yểu. Kiếm thứ dân dã mà nuôi, để nhớ quê, nhớ gốc rễ mình, để đi đâu cũng muốn về nhà. Như qua, phò con bìm bịp này như phò bà già vợ vậy mà vui” .

Hay: “Ông Sáu cười,“Cha để coi, chỗ nào chưa đi thì đi, còn sống là còn tìm. Qua nhờ chú em một chuyện, chú em nuôi dùm qua con quỷ sứ nầy. Qua yếu rồi, sợ có lúc giữa đường lăn ra chết, để con “trời vật” nầy lại không ai lo. Qua tin tưởng chú em nhiều, đừng phụ lòng qua nghe” .

Có thể nói, trước những dâu bể thăng trầm của cuộc đời, con người không thể không buồn nhưng quan trọng hơn trước những dâu bể thăng trầm ấy, con người ta biết chấp nhận nó để có thể sống tốt hơn, để hiểu mình và hiểu đời hơn… Giọng buồn nhưng không chán chường trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần thể hiện cái nhìn của tác giả về những con người luôn hiểu và ý thức được vị trí và thân phận mình trong cuộc đời. Những truyện ngắn như: Ngày đã qua, Ngày đùa, Cánh đồng bất tận, Gió lẻ, Núi lở, Sầu trên đỉnh Puvan… là những trường hợp tiêu biểu cho vấn đề này.

Tóm lại, trong cái nhìn về hiện thực cuộc sống, Nguyễn Ngọc Tư thường hướng cái nhìn xót xa và thông cảm đến những phận người không may trong cuộc đời. Điều này đã tạo nên một giọng buồn trong truyện ngắn của chị. Tuy vậy, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ xót xa và thông cảm, chị còn tin yêu và luôn mong mỏi cho những phận người không may ấy có được cuộc sống hạnh phúc dù là những hạnh phúc bình dị và nhỏ nhoi nhất để bù đắp cho sự độ lượng, vị tha và nghĩa khí của họ trong cuộc sống. Đây cũng chính là cái nhìn mang đầy tính nhân văn của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư.

 

2. Giọng điềm nhiên, trầm tĩnh

 

Trước hết, có thể thấy giọng điềm nhiên, trầm tĩnh trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư được thể hiện qua nhịp điệu kể chuyện rất từ tốn, chậm rải của nhân vật người kể chuyện. Mở đầu truyện ngắn Cải ơi, người đọc bắt gặp nhịp kể chậm rải, từ tốn của người kể dù đang thuật lại tình cảnh khó khăn bi đát của các nhân vật – một nhịp kể thể hiện sự tỉnh táo và điềm nhiên của tác giả trong quá trình phản ánh sự khốn khó của con người trong cuộc sống:

“Đoàn ca múa nhạc giải tán, thằng Quách Phú Thàn dẫn ông già Năm Nhỏ về ngã ba Sương, Thàn có nhỏ bồ quen bán quán ở đó. Con nhỏ tên Diễm Thương, nghe hay, mà khuôn mặt cũng hay, không đẹp nhưng bình thản lạnh trơ, vui buồn không ra, đố ai biết nó nghĩ gì. Nó hất mái tóc nhuộm vàng hoe chơm chởm như rễ tre, nhìn hai người cười héo hắt. “Ăn bám mà kéo theo cả bầy”. Thàn cười hề hề, bảo “Ông Năm, bạn anh. Dễ thương lắm.” (Cải ơi)

Tương tự vậy, trong Gió lẻ, người đọc lại bắt gặp sự chậm rải và từ tốn quen thuộc của người kể thuật lại cái chết của mẹ nhân vật Mỹ Ái:

“Hồi sáu tuổi, có lần em lén lấy dao cạo râu của cha để tỉa lông cho con chó Lu Lu, không ngờ vì chuyện đó mà cha mẹ cãi nhau, cha chỉ vào em, hỏi mẹ, từng từ khít như máu rỉ qua kẻ răng, “cô lấy thằng nào mà đẻ ra cái thứ này?”. Mẹ em không trả lời, lẳng lặng vào phòng, khóa cửa trong. Ba giờ sau cha tìm thấy mẹ treo mình đung đưa trên xà nhà. Lưỡi trả lại cho cuộc đời, bởi người ta không chấp nhận sự vô dụng của nó, nói mà chẳng ai nghe.

Một điểm quan trọng nữa giúp nhận ra giọng điệu điềm nhiên, trầm tĩnh của Nguyễn Ngọc Tư là lối kể chuyện bình thản, “có sao nói vậy người ơi” có phần dửng dưng của chị. Những lúc như vậy, người đọc bắt gặp nhân vật người kể chuyện có khi đứng ngoài xưng “tôi”, có khi nhập vào nhân vật chính để kể lại những sự việc xảy ra một cách rất thản nhiên đôi khi có phần dửng dưng, lạnh lùng nhưng thực chất trong lòng rất đau đớn, xót xa,... Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư vấn đề này thể hiện rõ nhất là ở những câu văn mà tác giả cố tình (để cho nhân vật kể chuyện trong quá trình trần thuật) mở ngoặt đơn để “giải thích”, “chú thích” thêm một vấn đề gì đó. Hoặc không thì “nói thêm vào”, “nói cho rõ hơn” trong lúc trần thuật. Ví dụ như:

- “Diễm Thương biết có chạy qua không hay là bận khách, bận cười cợt (mà lòng não nề) biểu uống với em chút nữa đi anh”. (Cải ơi)

- “Quẹo qua quẹo lai, nói đất nói trời (chỉ thiếu nói lời thương yêu), cuối cùng hai đứa ra bãi đào khoai”. (Thương quá rau răm)

- “Hậu chỉ biết tê tái hỏi một câu, “sao anh đành đoạn giết em?”, (trời đất ơi, chắc là hết chuyện nói rồi.) (Một trái tim khô)

- “Đáng lẽ phải nói như vầy, em thấy yêu mến, gắn bó mảnh đất này quá đi, anh à (nói theo kiểu thanh niên tình nguyện trả lời phỏng vấn trên truyền hình). (Duyên phận so le)

 

Chúng tôi thử làm một thống kê nhỏ về những “dấu ngoặt đơn” trong ngôn ngữ trần thuật ở tập truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư và thu về kết quả như sau:

 

STT

Tên truyện ngắn

Số lần xuất hiện dấu ngoặt đơn

1

Cải ơi

5

2

Thương quá rau răm

11

3

Hiu hiu gió bấc

0

4

Huệ lấy chồng

1

5

Cái nhìn khắc khoải

3

6

Nhà cổ

3

7

Mối tình năm cũ

5

8

Biển người mênh mông

1

9

Cuối mùa nhan sắc

3

10

Nhớ sông

0

11

Dòng nhớ

0

12

Duyên phận so le

16

13

Một trái tim khô

8

14

Cánh đồng bất tận

59

 

 

Có thể nói, đây là nét sáng tạo trong cách trần thuật của Nguyễn Ngọc Tư, góp phần làm nên giọng điệu điềm nhiên, trầm tĩnh rất độc đáo của chị. Chính sự xuất hiện của những dấu ngoặt đơn làm nhiệm vụ “giải thích, chú thích thêm” hay “nói cho rõ hơn” một vấn đề bào đó đã làm cho câu chuyện mà Nguyễn Ngọc Tư kể với người đọc thêm phần khách quan và sinh động hơn.

Bên cạnh lối kể chuyện với nhịp điệu chậm rải, từ tốn; lối trần thuật bình thản đôi khi lạnh lùng; người đọc còn nhận ra giọng điệu điềm nhiên, trầm tĩnh của Nguyễn Ngọc Tư ở sự cân nhắc trong việc sử dụng ngôn từ mềm mại và đầy “nữ tính”. Đây là một điểm rất khác của Nguyễn Ngọc Tư so với khá nhiều những nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao trước 1945, hay Nguyễn Huy Thiệp những năm tám mươi của thế kỷ XX. Cũng là hợp lý thôi vì Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nữ vì thế, so với các nhà văn vừa kể, ngôn ngữ và giọng điệu của Nguyễn Ngọc Tư mềm mỏng và nhẹ nhàng hơn; Nguyễn Ngọc Tư không chửi rủa, không mạt sát, không văng tục, không thóa mạ, không tỏ ra cay cú… khi đề cập đến những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống. Chúng ta thấy rõ vấn đề này ở những những truyện ngắn trong tập Gió lẻ và chín câu chuyện khác cùng một số truyện như: Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận, Lỡ mùa, Đau gì như thể,…  Đây là những truyện ngắn mà Nguyễn Ngọc Tư muốn góp tiếng nói phê phán những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống nhưng giọng điệu của chị vẫn rất nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Nguyễn Ngọc Tư tuy có bất bình, có không hài lòng về những điều bất công, giả dối của con người trong cuộc sống nhưng chị không lên giọng quát tháo, không văng tục như chúng ta thường thấy ở Nguyễn Huy Thiệp. Ở Nguyễn Huy Thiệp khi không hài lòng một vấn đề gì là ngay lập tức giọng điệu của ông thay đổi một cách rất quyết liệt, mạnh mẽ nhiều khi mất bình tĩnh và trở nên cực đoan. Dưới đây là một trong những đoạn văn tiêu biểu cho giọng điệu mất bình tĩnh đến mức cực đoan của Nguyễn Huy Thiệp:

“Anh Bường bảo: “Tao nói cho mày biết, mày bỏ cái trò lưu manh ấy đi. Mày dụ thằng Biền chơi giả để hạ nó thật. Lối vật của mày là lối vật của quân trí thức, mày bịp con Quy thì được chứ không bịp được tao đâu”. Tôi cười: “Anh biết không người cách mạng chỉ chú tâm vào mục đích cuối cùng mà thôi”. Anh Bường bảo: “Đừng có bẩy tao vào chính trị tư tưởng, mày đểu lắm…” Bản chất của mày là một thằng trí thức lưu manh chính trị. Tởm lắm! Cút mẹ mày đi!” Tôi bảo: “Anh là một thằng tù hình sự, một tên lưu manh “gin” tại sao anh không chịu nổi tôi?” (Những người thợ xẻ)

Không giống như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư thường chọn cách nói nhẹ nhàng và ít khi phát biểu hay bày tỏ thái độ bằng những ngôn từ gân guốc, đầy góc cạnh thậm chí có lúc rất bạo liệt. Đây là ngôn từ nhẹ nhàng, mềm mại của Nguyễn Ngọc Tư thuật về tình cảnh đáng thương của Sương – cô gái giang hồ sau một đêm đi “thương lượng” với  những “người có trách nhiệm” của địa phương (về việc đàn vịt của gia đình Út Vũ bị nhiễm bệnh) trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận:

“Một người nuốt nước miếng, ánh nhìn ham muốn như mũi kim thò ra khỏi bọc, lơ láo. Mắt ông ta lột trần chị, và toan tính một thoáng. Người còn lại có vẻ thú vị, háo hức như sắp xem được một vở cải lương hay. Chị thấu hiểu đàn ông đến nỗi, ngay lập tức chị ngó về phía chúng tôi, ngầm báo, cuộc thương lượng (về một sự đổi chác) đã kết thúc rồi… Chị trở về khi trăng rạng rỡ trên đầu (mãi sau nầy, tôi vẫn còn ghê sợ cái màu trăng ấy). Ống quần quệt vào cỏ ướt đẫm sương. Hơi rượu quyện với mùi thuốc lá làm tôi chạo chực. Nhác thấy hai chị em tôi ngồi thù lù, chị kêu lên, trời đất, hai cưng chờ chị chi vậy.“Chị làm đĩ quen rồi, mấy chuyện nầy nhằm bà gì mà mấy cưng buồn?”

Còn đây là cách Nguyễn Ngọc Tư kể lại cảnh ông Tám Nhơn Đạo hãm hiếp cô bé Mỹ Ái trong truyện ngắn Gió lẻ - một giọng kể thản được trình bày qua lối văn nhẹ nhàng nhưng lột tả trọn vẹn nỗi nỗi đau, thất vọng của tác giả trước sự đểu giả của con người trong cuộc sống:

“Lâu ngày em không còn giật mình vì tiếng người nữa. Nên cái bữa ông Tám Nhơn Đạo ra chòi, em không hay. Bỗng dưng thấy mình bị ép chặt xuống tấm ván mối ăn lấm tấm, và một bàn tay lần vào áo em, thì em giật mình. Em gào lên, nhưng giọng tắt trong bàn tay khẳm mùi rượu, thịt và nước tiểu… Giờ một người đàn ông xa lạ đang lúi húi trên em, như con Cò thường lè lưỡi liếm để gọi em than thở chuyện đời nó.”

Có thể thấy, tuy không dùng những lời lẽ đao to búa lớn, không quát tháo, không thóa mạ… nhưng người đọc vẫn cảm nhận được cái nhìn phê phán của Nguyễn Ngọc Tư trước những vấn đề tiêu cực của cuộc sống. Đồng thời cũng cảm nhận được nỗi xót xa và thương cảm, đau đớn của nhà văn dành cho số phận không may trong cuộc đời. Đây là thành công của Nguyễn Ngọc Tư trong việc sử dụng ngôn ngữ mềm dẽo, nhẹ nhàng, đầy nữ tính để tạo nên một giọng điệu điềm nhiên, trầm tĩnh nhằm lột tả bản chất của những sự việc mà chị phản ánh. Vấn đề này, nói như nhà văn Dạ Ngân là Nguyễn Ngọc Tư có giọng “điềm đạm mà thấu đáo”. Hay Kiệt Tấn trong Sông nước Hậu Giang và Nguyễn Ngọc Tư” thì Nguyễn Ngọc Tư có giọng văn “…thành thật hiền hòa, không xốc táp ngang ngược; không có những kiểu nói om sòm mà rỗng tuếch. 

 

3. Thay lời kết

 

Tóm lại, về vấn đề giọng điệu chủ yếu trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư có thể khái quát lại như sau:

Bên cạnh âm hưởng và giọng buồn nhưng không chán chường ủ dột, thì sự điềm nhiên trầm tĩnh là giọng điệu chủ yếu góp phần làm nên một trong những nét phong cách của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Nếu như giọng buồn nhưng không chán chường ủ dột thể hiện cái nhìn cảm thông, chia sẻ và tin tưởng của nhà văn với những số phận bất hạnh trong cuộc đời sống thì giọng điềm nhiên, trầm tĩnh nói lên sự chấp nhận đối mặt với những bất trắc trong cuộc sống của con người. Tất cả vấn đề trên đều góp phần cụ thể hóa vấn đề “cái nhìn khắc khoải” về thân phận con người cũng như quan niệm “con người hướng thiện” trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.

 

_________________________________________

 

MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

 

1.     Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi - Từ điển thuật ngữ văn học. Nhà xuất bản Giáo dục, 2007

2.     Trần Đình Sử - Một số vấn đề về thi pháp học hiện đại. Bộ Giáo dục và đào tạo, Vụ giáo viên, 1993

3.     Trần Đình Sử - Giáo trình dẫn luận thi pháp học. Bộ Giáo dục và đào tạo, Đại học Huế, 2001

4.     Lê Ngọc Trà - Lý luận và văn học. Nhà xuất bản Trẻ, 2005

5.     Nhiều tác giả - Lý luận văn học. Nhà xuất bản Giáo dục, 1986

6.     Website http://www.viet-studies.info/NNTu/  (chuyên trang về Nguyễn Ngọc Tư do Trần Hữu Dũng thiết kế và quản lý).

 

Bản của tác giả gởi
Lên trang  viet-studies ngày 13-9-10