Diễn Đàn 29-9-12 

 

Đọc "Sông" của Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Sông Di trôi nhanh hay chậm?

 

 Phan Thị Hà Dương

 

   

Sông Di dính vào nhiều, rất nhiều mảng đời, mảng nào cũng chua xót, trớ trêu, tróc ghẻ, như thể bở ra từ một cơ thể đầy đớn đau bệnh tật. Mà cơ thể ấy thủa khai sinh là một dòng sông đẹp.

 

Nếu chỉ dừng lại đọc một mảng đời thôi. Rồi gấp sách. Rồi lặng im nhớ về những lời nói lơ mơ, nhớ về những hành động vu vơ, nhớ về một câu kết bâng quơ mà chứa toàn bộ sự thật, toàn bộ bí mật, toàn bộ mất mát. Thì sẽ lịm đi vì thương xót. Hệt như khi đọc một truyện ngắn nào đó của Nguyễn Ngọc Tư. Nhớ có lần, một người bạn bảo mỗi truyện ngắn chỉ cần một cái tứ, bắt được nó là bắt được truyện.

 

Có khi mình cứ tự hỏi khi nào thì một cuốn sách được gọi là một tiểu thuyết nhỉ? Vì độ dài ư? "Sông" không dài. Vậy thì cứ thế, cứ thế, những mảng đời hiện ra rồi mất hút, mà có khi đang dang dở thì mảng khác đã hiện ra, nhưng mà rồi cũng vẫn mất hút, thì để làm gì? Hay coi là một thiên ký sự, như Ân, nhân vật chính đang làm chuyến hành trình trên sông, vẫn thường làm? Ký sự về những mảng (đời trên) sông Di chăng?

 

Có khi mình lại tự bảo, sao mình không gấp sách lại, lặng im ngẫm về một mảng đời thôi, như là đọc xong một truyện ngắn của NN Tư trước đây? Bởi vì mảng nào cũng rất giàu chất liệu, cũng chắc chắn là đủ để dựng lên một truyện ngắn thật tình cảm. Khi thì là về cả một tộc người bị diệt vong trước khi hai bố con lão Sật chết: cô con gái xấu mù không ai ngó gieo mình từ núi xuống còn bức tượng cô với đôi môi bóng đỏ màu máu từ tay ông bố lại làm bao chàng trai đắm say quên cả vợ con, vậy mà cái bi kịch nhất khi cô chết lại là ở cái câu bâng quơ này "Cô gái đang mang thai, người ta đồn đãi đó là nỗ lực cuối cùng của lão Sật, tránh cho tộc họ khỏi bị diệt vong". Khi thì là cô gái đã dành cả tuổi trẻ mình chăm sóc anh Long sinh đôi của mình nằm ống thở cho đến lúc đau đớn rút ống ra để giải thoát cho anh, nhưng khi lần đầu khám phá khoái lạc thì cô thốt lên thế này: "Phải biết làm tình thích vậy tôi rút ống cho ông Long chết sớm hơn".

 

Và hàng chục, hàng chục mảng khác, kể không xiết, nhớ không hết.

 

Ừ, nhớ không hết.

 

Cảm xúc cũng không dạt dào như khi chỉ đọc một truyện ngắn thôi, hay khi đọc "Cánh đồng bất tận", một số phận thôi.

 

Liệu có phí không nhỉ? Nhiều thế, chất chứa thế, sao không viết thành nhiều truyện ngắn?

 

Hoặc thậm chí, sao dồn dập thế, mảng này chèn lên mảng kia, không còn khe hở, để nghỉ ngơi, để ngẫm, để cảm giác?

 

 Có phải là sông Di trôi nhanh quá, gấp gáp quá, cuống quít quá?

 

Vậy mà sao mình vẫn có cảm giác sông trôi thật chậm? Ở đâu ra cái sự chậm rãi này?

 

Đó là Ân thôi. Ân đi dọc sông, Ân xuống bến, Ân lên thuyền, Ân trèo núi, Ân đánh lộn, thì vẫn chỉ là Ân thôi. Vẫn là Ân lúc nào cũng nhạy cảm tinh tế đến run người, lúc nào cũng dịu dàng âu yếm. Vẫn là Ân trôi trong những nhớ nhớ thương thương. Vẫn là Ân, không thay đổi, nhưng cũng không dừng lại. Những tình cảm của Ân, chậm thật chậm đã trôi theo dòng Di, như có một sắc màu rực rỡ (ôi rực rỡ nhớ thương[1]) đang phai nhạt dần đi, và một sắc màu khác, mơ hồ xa lắc đang đậm dần đậm, và chói lòa vào phút cuối. Cái màu sắc đầu tiên khởi nguồn từ tan nát khi nhìn hai chiếc bàn chải đánh răng sót lại trong ba lô, rồi đến những xao động mỗi khi nhận tin nhắn (mà tin nhắn ấy cứ mỗi ngày mỗi khao khát hơn, mỗi khắc khoải hơn, thì ngược lại những xao động lại mỗi ngày mỗi nhẹ) cho đến khi chẳng còn cần nữa, chẳng còn mong chờ nữa, và hờ hững nhìn những mốc thời gian của các tối hậu thư trôi qua. Còn màu sắc thứ hai phớt nhẹ qua hội làng xa xôi miền Bắc, khi đồng ý cho chị hàng bánh xin một đứa con vì nhớ người chị năm xưa, rồi cứ hiện dần, hiện dần lên cơn thèm ngủ của chị, hiện cho đến rạng rỡ căn phòng ngập hoa cùng tiểu thuyết chị viết dở về mình, hiện đến cuối sâu xa và thương nhớ là những trang mình viết về chị, và chỉ về chị thôi, đến ngày cuối.[2]

 

Như thể tất cả những mảng dồn dập ấy, hỗn độn, chồng chéo, rồi mất hút ấy chỉ là ảo thôi, như vẫn thường vậy những mộng mị vút nhanh trong một cơn ngủ dài chậm chạp trôi?

 

Vậy đấy, hình như, chỉ khi này đây, trong sự chậm rãi này, mình có lẽ đã hiểu vì sao NN Tư viết như vậy, đã hy sinh hàng chục truyện ngắn tiềm ẩn cho một tiểu thuyết này, đã hy sinh những cảm xúc với những mảng đời cho một cuộc ra đi này, chậm rãi sao, và tầm tã nhớ thương.[3]

 

 

Phan Thị Hà Dương

 


[1]  Sự vắng mặt của em và bãi biển mùa đông 

Thành phố đau từ mỗi cột đèn 

mỗi bực thềm cửa đóng 

em đi không nón không áo choàng 

mưa tầm tã 

những cửa sổ đêm muốn hé ra 

nổi loạn 

và mắt em mặt trời cỏ hoa với môi anh đằm thắm 

và rực rỡ nhớ thương

 

(trích "Liên những bài thơ tình thời chia cách", Thanh Tâm Tuyền)

 

[2] Có bài gì có câu hát "đôi mắt em đến ngày cuối" âm ư khi mình viết câu này mà sao không nhớ ra, để rồi nhớ sẽ chép vào

 

[3] Ôi biết bao phen

                     ta từ biệt

                            cảnh

                                    người

mà tim

         chẳng

                thành chai rắn được

Chuyến đi nào

                không

                        tầm tã nhớ thương

 

(trích "Đi, đây Việt Bắc", Trần Dần)

 Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư