Nắng, gió, vịt, và đàn bà
giữa những Cánh Đồng Bất Tận
 

Đoàn Nhã Văn
 

“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Dân gian nói thế. Nuôi cá giàu thế nào, nuôi heo khá ra sao? Chưa biết. Nhưng rõ ràng, không ai muốn nghèo. Vì thế, nuôi vịt chạy đồng là một việc bất đắt dĩ của người cùng đinh, những người đi suốt những cánh đồng bất tận mà không có một hòn đất để chọi chim. Nuôi vịt không những nghèo, mà còn đầy cơ cực, cái cơ cực bám từ cái đầu dang nắng, đến tận những móng chân đóng phèn. Truyện ngắn Cánh Đồng Bất Tận, khoảng 30 trang, của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ dựng lại tận tường những điều cơ cực ấy mà còn mở ra nhiều điều khác, xa hơn và cao hơn, xoáy sâu vào lòng người đọc, cho dù dấu chấm hết đã hạ xuống ở hàng chữ cuối cùng.

Nguyễn Ngọc Tư là một khuôn mặt không xa lạ gì với độc giả trong nước, trong những năm qua. Cô viết khá nhiều truyện ngắn, tạp ghi và ký. Có tập được giải thưởng cao của hội nhà văn Việt Nam. Theo chân những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư, rõ ràng đây là một cây viết có tay nghề. Tuy nhiên, phải đến thiên truyện Cánh Đồng Bất Tận của cô, người đọc mới thấy một tay nghề đã được đẩy đến bậc cao hơn để chữ nghĩa in đậm vào lòng người cái tên Nguyễn Ngọc Tư, với một giọng văn đầy chất Nam Bộ, một giọng văn, trơn tru, ngọt xớt, lại rất có duyên, cái duyên ngầm của nghệ sĩ, lấy những hình ảnh nhỏ để làm nên những rung động lớn ở người thưởng ngoạn.

Cánh Đồng Bất Tận chặt chẽ từ ý tứ đến lời văn, và lấp lánh nhiều hình ảnh đẹp. Truyện vừa xuất hiện, trong nước, là tạo ngay một sự chú ý của độc giả. Chú ý, không vì sự kỳ dị, mà là một thu hút lớn từ cốt truyện hay, lối dàn dựng nghệ thuật và chữ nghĩa sinh động của cô.

“Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hán hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn.” Những câu mở đầu của thiên truyện đã mở ra một trúc trắc, một lênh đênh, một khốn khó, đang bủa vây một gia đình du mục gồm ba người: Cha, Tôi và Điền - đứa em trai, cùng gia tài: một đàn vịt đang độ lớn, cần thức ăn còn xót lại trên đồng, và nhất là cần nước, trong một mùa nắng chát chúa, khô rát mặt người. Từ cái bắt đầu này, những nhân vật khác xuất hiện, mà phần lớn là những người đàn bà không tên, trôi giạt. Từ người đàn bà bị đánh ghen, đến người đàn bà thân thuộc trong gia đình, Má, rồi đến những người đàn bà khác mà “tôi” đã gặp trên những con sông cạn nước, trên những cánh đồng khô nẻ, trên những phiên chợ đầy mùi người, cho đến những người đàn bà bị Cha tôi gạt gẫm, bịt lối quay về, sau nỗi buồn đứt ruột, khi Má bỏ nhà ra đi. Mỗi người đàn bà mang một số phận như những con nước trong mùa hạn hán. Mỗi con nước có một nguồn riêng, nhưng phần lớn đều cạn kiệt trước khi hòa mình vào dòng lớn. Trong số những người đàn bà không tên ấy, “Chị” là người gắn với gia đình “tôi” như một định mệnh.

Cánh Đồng Bất Tận đào sâu vào nỗi đau khổ và xoáy thẳng vào những mê muội rất tầm thường của con người. Đây không phải là đề tài mới. Nhưng cách dựng những điều ấy mang những nét rất riêng của Nguyễn Ngọc Tư.

Bốn nhân vật là bốn mảnh đời tơi tả, tan thương, nhưng đầy cá tính. Nếu Cha là một người cộc cằn, thô lỗ, kể từ ngày Má ra đi, thì Chị là một người ăn nói ngọt xớt, trơn tru. Chị tỉnh bơ ngay cả với những điều “lớn lao”, so với người khác. Chị bổ bã, và có khi táo tợn trong những lúc cần thiết. Một phường “làm đĩ”, như chị nói, nhưng đầy đạo nghĩa. Còn “Tôi”? Tôi là một cô gái mới lớn. Một cô gái cơ cực từ tuổi thơ, lớn lên thiếu mẹ, sống bên cha mà vắng tình thương. Bước vào đời đã cực, học hỏi được điều gì ở đời, cái giá phải trả gấp năm gấp bảy, vì tất cả đều tự học lấy mà không một người đi trước hướng dẫn. Và Điền, đứa em trai, nhỏ hơn tôi một tuổi, một đứa bị bệnh chảy nước mắt sống từ hồi chín tuổi. Căn bệnh chảy nước mắt sống của nó khởi đi từ một lý do đặc biệt, của một đứa trẻ, nhìn thấy một sự kinh tởm trong đời. Lênh đênh theo con nước, trôi dạt theo những cánh đồng bất tận, cùng Cha và chị gái, chăn nuôi đàn vịt để mưu sinh, Điền mang một sự bất thường của đứa con trai vừa mới lớn.

Cánh Đồng Bất Tận, như đã nói, được viết bằng một giọng đặc sệt Nam Bộ. Nói vậy, không có nghĩa rằng, cứ hễ viết bằng giọng kể của người dân sống trên sông nước miền Nam là hay, là thu hút. Khác với những nhà văn khác, khi viết về sông nước, thổ ngư, và con người Nam Bộ, cái thôi miên của Cánh Đồng Bất Tận, trước hết, phải nói đến đơn vị nhỏ nhất của văn chương: câu văn. Câu văn của Nguyễn Ngọc Tư, qua Cánh Đồng Bất Tận, thường ngắn, gãy gọn, không lê thê theo lối kể thường tình. Ngắn, nhưng không gầy. Ngắn, khác với cái trần trụi của Nguyễn Huy Thiệp, ở giai đoạn mới xuất hiện. Ngắn, nhưng chữ nối chữ, ý liền ý, theo cái duyên thầm của người dựng truyện. Cái duyên thầm, ở đây, là biết dừng lại ở những chỗ cần dừng, để mở ra những liên tưởng ngút ngàn. Xuyên suốt bản văn, Nguyễn Ngọc Tư không hề sa đà trong tả cảnh, không lắm lời trong gợi tình. Nói ít mà thấm. Viết ngắn mà xoáy vào lòng người. Giọng văn như thế, đánh dấu một sự làm chủ hoàn toàn trước khi những con chữ trườn mình ra trang giấy. Hơn thế nữa, Cánh Đồng Bất Tận có rất nhiều hình ảnh đẹp, đẹp theo ý nghĩa văn chương: đọc xong, khó lòng mà quên được.

Đây là cái đau của một người đàn bà bị đánh ghen.

“Suốt một quãng đường, chị không hề thay đổi thế nằm, im lìm, lạnh ngắt như người chết. Trong ghe chỉ trôi mênh mang những tiếng rên khi dài, khi ngắn, khi thiu thỉu buồn xo, lúc nghe như tiếng nấc nghẹn ngào... (...) Nhưng chiều hôm đó và cả ngày sau chị không ăn. Chị từ chối cả uống nước, đợi đôi môi khô đã bắt đầu nứt ta, chị mới chịu hớp một vài ngụm nước ít ỏi, dường như chỉ đủ ướt môi. Đói và khát, nhưng chị còn sợ đau hơn. Người ta đã đổ keo dán sắt vào cửa mình của chị ...”

Nếu là bạn, bạn sẽ diễn tả cái đau của Chị ra sao? Sẽ dùng hàng loạt tính từ để chỉ cái đau, để thấy nét mặt, cái trân mình chịu đau đớn của người đàn bà? Hay bạn sẽ dựng lại những lời rên rỉ, than thân, của một kẻ bị đánh thiếu sống, thừa chết? Trên nhiều trang sách của những tác giả khác, trong những cảnh ngộ thương tâm, họ đã làm thế. Và họ đã đi vào con đường mòn. Trong nghệ thuật, đi vào đường mòn là tự chọn cho mình một con đường ngắn. Con đường ấy dẫn đến sự quên lãng của độc giả.

Nguyễn Ngọc Tư thì khác. Cái đau của người bị đánh ghen, cô không diễn tả trực tiếp. Cô mượn một hình ảnh khác, một góc nhìn khác, nghệ thuật hơn. Cô chọn hình ảnh một đứa con trai mới lớn, từng chịu đựng bao sương gió của cuộc đời, thằng Điền, để diễn tả, để cài vào người đọc một sự liên tưởng. Khi người em trai rời chiếc ghe nhỏ, căn nhà di động của một gia đình ba người, để đi vào xóm, cô chị dặn em trai mình ghé tiệm mua một ít đường cát cho gia đình. Một tí đường cát đối với người khác là điều nhỏ nhặt, nhưng với một gia đình du mục, không phải là nhỏ. Vậy mà, “Chắc gió đã bạt mất lời tôi, khi quay về, Điền không mang theo gì, nó lẳng lặng xòe tay trước mặt tôi, tay nó dính một lớp gì đó, bóng mượt, trong suốt, và đang khô quánh lại, khiến những ngón tay đơ ra như đá. Điền bảo, “keo dán sắt...”. Dường như những người sản xuất ra loại keo này cũng không ngờ nó có nhiều công dụng đến thế. Hai chị em tôi tỉ mẩn lột lớp keo ra, mảng da non trên bàn tay nó bỏng đỏ nhừ, tươm máu. Chúng tôi cùng ngó về chỗ khoang ghe, nghe tiếng thở thênh thang cùng gió...”

Đưa hình ảnh bàn tay của đứa con trai mới lớn, cơ cực theo kế sinh nhai, bị bỏng rát, tướm máu sau khi thử dán bằng keo dán sắt, rồi bỏ lững. Cái bỏ lững đầy nghệ thuật để người đọc liên tưởng đến hoàn cảnh của người đàn bà đang nằm bất động trên ghe. Bàn tay của thằng con trai đã thế, huống hồ....Vâng, đây chính là phép “vẽ mây nẩy trăng” trong nghệ thuật.

Một chỗ khác, người đọc nghẹn ngào với một hình ảnh đầy thương tâm, tội nghiệp của đứa con gái ở tuổi dậy thì. Thiếu tình thương của Má từ thuở nhỏ, chấp nhận những đòn roi vọt của cha tuổi mới lớn, bước qua thời con gái, không một lời chỉ dẫn từ người đi trước. Hình ảnh của lần đầu con gái, của Tôi”, đã làm nghẹn ngào nhiều người đọc.

“Máu chảy giữa hai đùi không tạnh được, tôi thụp xuống, bụm chỗ ấy lại. Máu từ từ chảy qua kẻ tay, tôi thấy mình rỗng ra, tái nhợt chết dần. Thằng Điền vói bứt đọt chuối, tọng vào miệng nhai ngốn ngấu, điên dại, để lấy bả rịt lại chỗ máu. Thuốc gò nghe nói cầm máu rất tốt, cũng chẳng ăn thua. Hai đứa nhìn nhau khóc, tôi đã mơ thấy ngôi mộ của mình, như chiếc giường giữa bốn bề đồng nước...”

Ở chỗ nọ, hình ảnh một người đàn bà “làm đĩ” đã thương lượng, chấp nhận “đi đêm” với hai gã cán bộ để cứu bầy vịt thiếu ăn, một gia tài của ba cha con du mục. Ở đoạn này, Nguyễn Ngọc Tư viết rất khéo. Viết, như một kể lại một cách bình thường, chẳng lên gân dạy trò đạo đức, cũng chẳng kêu gào kết án những ai. Vậy mà lối viết bình thường ấy lôi kéo một cách lạ thường, làm sáng lên hai mặt của đồng tiền. Một, cái thối tha, của những kẻ lúc nào miệng cũng gắn liền: chủ trương, chính sách, triệt để, thi đua, sự cố .v.v... nhưng khi cần “đi đêm” thì tất cả vẳng vào xọt rác. Hai, cái nghĩa cử đẹp, cái đạo trong văn chương. Cái đạo của phường làm đĩ. Đạo ở đây, không phải là thứ đạo mà Hoàng Ngọc Hiến đã nhắc tới khi nói về một nền văn học “phải đạo”, trước đây. Đạo ở đây là đạo làm người. Làm một người tử tế hay sống một đời lương thiện, thời nay, thật khó. Càng khó hơn, khi sống trong những cảnh khốn cùng, như Chị.

Một truyện ngắn có nhiều hình ảnh đắc địa.

Một truyện ngắn đầy dung lượng.

Đọc xong Cánh Đồng Bất Tận, một cảm giác khó tả cứ vấn vương. Cảm giác đó có thể gói gọn trong một chữ: Khoái.

Truyện gợi lên nhiều điều về thân phận làm người, những người cùng khổ trong một xã hội đang quay trong cơn lốc. Từ đó, mở ra những suy ngẫm về nhân tình thế thái, sự suy đồi đạo đức, đặc biệt là ở những kẻ đầy tước quyền trong tay. Nhưng xa hơn, và quan trọng hơn, những con chữ kết thúc thiên truyện đã đẩy truyện ngắn lên thêm một bậc: gieo niềm tin vào lòng cuộc sống. Hay nói một cách khác, đó là cái nhìn về phía trước của một người sống tận đáy cùng của xã hội, một người không may mắn trên bước đường chăn vịt để mưu sinh, một người mà định mệnh luôn trói chặt với những đau thương, khốn khổ. Đó, chính là hạt mầm tốt.

Không có những hạt mầm tốt gieo vào lòng đất, thì trên những cánh đồng bất tận, mãi mãi, chỉ có nắng nung người, gió cháy da, chất phèn chua lét, đàn vịt cọc còi, và những người đàn bà ... làm đĩ. May thay, hạt mầm đã có, và được gieo, không bởi tuyên ngôn của các vĩ nhân, mà lại được gieo, bởi những kẻ khốn cùng trong xã hội.

Đó là tín hiệu mừng.

Đó cũng là chỉ dấu của quyển sách sắp sang trang.

Đoàn Nhã Văn

Lên trang này ngày 30-12-05

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư