TỪ NGUYỄN TẤT THÀNH ĐẾN HỒ CHÍ MINH

(Sự hình thành một chọn lựa)

 


 

Chương 3
Từ Nga sang Trung Quốc

 


Thời gian ở Nga

1. Mục đích của Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Nga là gì? Sách của Trần Dân Tiên không cho biết. Nhưng nhiều người cho rằng anh đến Liên Xô để dự Đại hội Quốc tế Cộng sản (QTCS) lần thứ 5 [1].

Không đúng! Đại hội QTCS lần thứ 5 họp từ 17-6 đến 3-7-1924. Trước đó hơn hai tháng, trong bức thư đề ngày 11-4-1924 gửi Ban chấp hành QTCS, Nguyễn Ái Quốc viết:

“… từ lúc tôi tới Mátxcơva đã có quyết định rằng sau ba tháng lưu lại ở đây, tôi sẽ đi Trung Quốc để tìm cách liên lạc với đất nước tôi. Bây giờ đã là tháng thứ chín tôi lưu lại và tháng thứ sáu tôi chờ đợi, vậy mà việc lên đường của tôi chưa được quyết định” [2].

Ý này được nhắc lại trong thư đề ngày 11-9-1924 gửi QTCS sau Đại hội cũng hơn hai tháng:

“Tôi đã đến Mátxcơva vào tháng 7-1923. Tôi sẽ ra đi sau 3 tháng lưu lại ở đây. Vì lý do này hay lý do khác, việc lên đường của tôi đã bị hoãn hết tuần này sang tuần khác, rồi hết tháng này sang tháng khác” [3].

Như vậy, cả Đảng Cộng sản Pháp lẫn Đảng Cộng sản Nga, không đảng nào dự trù sự tham dự của Nguyễn Ái Quốc vào Đại hội 5 QTCS cả.

Thật sự thì lý do chính thức đưa Nguyễn Ái Quốc sang Nga là để dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, một tổ chức quần chúng do QTCS lập ra để tập hợp lĩnh tụ của những đảng nông dân cánh tả hoặc hiệp hội nông dân từ châu Âu, Á, Mỹ. Khai mạc tại cung Andreyev trong điện Kremlin ngày 10-10-1923 [4].

Như trong các thư gửi QTCS, Nguyễn Ái Quốc định họp xong Hội nghị này thì sẽ sang Trung Quốc (khoảng cuối năm 1923) chứ không có ý định ở lại lâu đến hơn cả năm như đã xảy ra. Và điều này khiến Nguyễn Ái Quốc không khỏi bực bội, như lời lẽ trong hai bức thư đã chứng minh, nhất là bức đề ngày 11-9-1924 nói trên.

Có một chi tiết đáng chú ý: sau khi dự Hội nghị Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc đã viết cho QTCS nhờ can thiệp về một chuyện lặt vặt, lời lẽ tỏ ra không kém gay gắt: được bố trí một nơi ở quá tồi tệ, anh đã phản đối bằng cách không đóng tiền nhà và đã bị Sở Quản lý Nhà hăm đưa ra toà [5]. Không biết vụ việc được giải quyết ra sao nhưng sau đó hơn nửa năm, anh được đổi chỗ ở đến khách sạn Lux, tạm thời thuộc biên chế Ban phương Đông. Một đại biểu được dự kiến cho Đại hội Quốc tế không bao giờ bị đối xử theo kiểu đó.


2. Như vậy là Nguyễn Ái Quốc đã bị “kẹt” lại ở Nga. Và chính do bị kẹt lại, anh mới có thời gian dự nhiều hội nghị.

a.    Sau Đại hội Quốc tế Nông dân lần 1, anh đã tham dự Đại hội lần 5 Quốc tế Cộng sản (tháng 6, 7-1924) và Đại hội lần 3 Quốc tế Công hội đỏ (tháng 7-1924) – từ những diễn đàn này anh có điều kiện để tuyên truyền những chủ đề quen thuộc của anh từ trước: đánh động tố cáo trước dư luận tình cảnh nhân dân Việt Nam bị thực dân Pháp nô dịch và gióng lên tiếng chuông xin được “cứu” và “giúp”. Trong Đại hội lần thứ 5 QTCS, anh được mời tham dự với tư cách là đại biểu tư vấn (không bỏ phiếu). Trong Đại hội này, anh đã gặp M. N. Roy, người Ấn Độ, tán thành quan điểm của vị đại biểu này (nhấn mạnh đến tính chất quyết định của cách mạng phương Đông đối với cách mạng phương Tây) và dựa vào đó để phê bình thái độ “xem thường” của những “đồng chí ở chính quốc” đối với vấn đề thuộc địa [6].

b.   Anh cũng đã tìm cách gặp những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của QTCS, góp ý trực tiếp và đề đạt những vấn đề mà anh ấp ủ từ lâu. Ngày 15-3-1924, xin gặp Zinoviev (chủ tịch QTCS) [7] để thảo luận vấn đề thuộc địa của Pháp. Ngày 20 –5-1924, xin gặp Petrov (Tổng thư ký Ban phương Đông của QTCS) đề nghị triệu tập Tiểu ban phương Đông họp bàn việc thành lập một “nhóm châu Á” ở Trường Đại học phương Đông [8] v.v… Ý tưởng chính trong những cuộc gặp gỡ đó vẫn là dựa vào QTCS làm áp lực với những Đảng Cộng sản châu Âu đồng thời vận động sự giúp đỡ tích cực và thiết thực của QTCS đối với vấn đề thuộc địa.

c.    Ngoài việc tham dự các hội nghị để trực tiếp trao đổi ý kiến, cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc có vào học Trường Đại học Cộng sản của Những người Lao động phương Đông tại Moskva. Chính ở đây anh đã trả lời phóng viên báo L'Unità của Đảng Cộng sản Ý về lý do anh rời nước sang châu Âu, tại sao anh xin vào học Đại học phương Đông, cơ sở giáo dục được anh ca ngợi hết mực về vai trò của nó đối với các dân tộc thuộc địa” [9]. Riêng đối với anh, sự quan trọng ấy về sau này là quá rõ ràng: khi sang Trung Quốc, anh đã gửi nhiều chiến sĩ cộng sản Việt Nam sang đây học tập. Sự đào tạo này có mục đích rất thiết thực là bồi dưỡng xây dựng những cán bộ cốt cán cho Đảng, những cái máy cái cho phong trào cộng sản, rất cụ thể, chứ không mơ hồ và bấp bênh như trường hợp Đông du của Phan Bội Châu trong những năm 1905-1907.

d.   Tuy chưa phải là một nhân vật quan trọng trong QTCS, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một cán bộ cộng sản xác tín, chuyên nghiệp. Anh tìm thấy ở nước Nga một chỗ dựa vững chắc hơn hồi còn hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp: anh đã gia nhập một tổ chức cách mạng quốc tế được một nhà nước chính thức ủng hộ, bao bọc về nhiều mặt (đường lối, chỉ đạo, huấn luyện, tài chính… ), một thứ “La Mecque mới” cho phương Đông như Maring đã nói trong Đại hội QTCS lần II tháng 7-1920 [10]. Đó là sự chuyển biến về mặt bản thân anh, nhưng khách quan, việc sang Moskva vào thời điểm đó đã đưa anh hội nhập phong trào cách mạng vô sản quốc tế đang đi vào một cuộc chuyển động hết sức quan trọng với những điểm đáng chú ý như sau:

o   QTCS được Đảng Cộng sản Nga sử dụng như một công cụ đối ngoại. Do viễn cảnh ngày càng mịt mùng của cuộc cách mạng vô sản ở phương Tây – nỗ lực cuối cùng của cách mạng vô sản Đức vào tháng 10-1923 đã gặp sự thờ ơ của công nhân Đức – Đảng Cộng sản Nga toan tính quay sang chinh phục thế giới nông dân rộng lớn ở phương Đông. Bắt đầu bằng thành lập Nông dân quốc tế.

o   Trong bản thân nước Nga cũng đã có những thay đổi. Chủ nghĩa cộng sản thời chiến chuyển sang NEP, thoả hiệp với nông dân. Không thể chờ đợi sự “bổ sung” của “cuộc cách mạng thứ nhất” ở châu Âu, Nga đã buộc phải tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước. Đối ngoại: tranh thủ những nước ngoài châu Âu như một trong những cố gắng phá vỡ vòng vây cô lập – Trung Quốc với chính quyền Tôn Dật Tiên đã trở thành đối tượng hợp tác chủ yếu.

o   Tất cả những yếu tố trên đây đã đưa Nguyễn Ái Quốc tới Nga. Từ Nga, Nguyễn Ái Quốc sang Trung Quốc được cũng hoàn toàn nhờ kế hoạch ấy (vấn đề Đông Dương vào lúc bấy giờ chưa được Nga chú ý tới). Lý do Nguyễn Ái Quốc bị kẹt lại Nga, không thể nhanh chóng sang Trung Quốc như ý muốn là do việc triển khai chính sách hợp tác của Nga đối với Trung Quốc chưa hoàn tất: Borodine mới tới Quảng Châu vào mùa thu tháng 7-1923, trong khi đó thì sĩ quan và giáo viên gửi sang huấn luyện quân đội Quốc dân Đảng mãi tháng 6, tháng 7, tháng 10-1924 mới đến [11].


Sang Trung Quốc

1. Nguyễn Ái Quốc cho biết ngày 11-11-1924 – có chỗ anh lại viết là tháng 12-1924 – anh tới Quảng Châu. Có ý kiến cho rằng trước khi sang Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã được cử làm phái viên toàn quyền Ban Thư ký Viễn đông của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản [12]. Tương tự như vậy có người đã viết: tuy không lộ cương vị trong QTCS, nhưng công khai Nguyễn Ái Quốc vẫn được xem là “cố vấn và người phiên dịch cho Borodin” [13] , nếu không cụ thể như vậy thì đại khái như một cái gì đó bao gồm cả trợ lý, thư ký, phiên dịch, chuyên viên về các vấn đề châu Á cho Borodin [14].

Tất cả đều không đúng! Riêng về phiên dịch cho Borodin (theo nghĩa toàn diện là viết và nói được tiếng Trung Quốc) thì không thể vì chính Nguyễn Ái Quốc cho biết lúc bấy giờ anh “chỉ biết viết chứ không biết nói” thứ tiếng này [15]. Còn tư cách thật sự của anh khi sang Trung Quốc là gì đựơc anh nói rõ trong thư ngày 11-9-1924 gửi Voitinsky (Thư ký Ban Phương Đông QTCS, Phó Tiểu ban Viễn Đông):

“1) Ban sẽ giới thiệu tôi với Quốc dân Đảng để tôi làm việc ở đấy vì ngoài lộ phí, Ban không thể giúp tôi về tài chính. 2) Tôi sẽ ở chỗ đó với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách là cán bộ của Quốc tế Cộng sản. 3) Tôi sẽ không có những quan hệ với Đảng chúng tôi (Đảng Cộng sản Pháp - LP) ở Trung Quốc.

Dù tất cả những điều kiện đó đối với tôi là khó, nhưng tôi vẫn chấp nhận để có thể đi được. Để cứu vãn các điều kiện 2 và 3, tôi yêu cầu Đảng tôi cho tôi một giấy uỷ nhiệm, và gởi cho Đảng Trung Quốc một bức thư yêu cầu giúp đỡ tôi trong công tác. Vậy là vấn đề đã được giải quyết”
[16].

Qua thư trên đây, chúng ta thấy việc Nguyễn Ái Quốc được đưa về Trung Quốc như là một bộ phận trong kế hoạch nghiêm ngặt của Nga đối với Quốc dân Đảng. Không được nhân danh QTCS, không được quan hệ với Đảng Cộng sản Pháp ở Trung Quốc. Tất nhiên không thể mang tên Nguyễn Ái Quốc như ở Nga. Có liên quan đến QTCS thì cũng chỉ đại diện cho tổ chức quần chúng của QTCS là Quốc tế Nông dân. Và cũng chỉ đại diện bí mật thôi. Gửi cho Dombal, Tổng thư ký Quốc tế Nông dân ngày 12-11-1924, Nguyễn Ái Quốc đã cho biết tình trạng đặc biệt đó của mình:

“Về việc liên quan tới vị trí của tôi là ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân thì đồng chí cứ làm nếu như đồng chí xét là tốt hoặc là đề nghị thay thế tôi, ở trường hợp này đồng chí nói là tôi ốm, chứ đừng nói tôi vắng mặt, bởi vì tôi sống bất hợp pháp ở đây. Hoặc là nếu đồng chí thấy có ích thì cứ giữ lại cái danh nghĩa dân thuộc địa Nguyễn Ái Quốc để trang trí cho những tuyên ngôn và những lời kêu gọi của Hội đồng” [17].

Nói chung, tuy ở Nga đã là cán bộ của Ban phương Đông Quốc tế [18] nhưng sang Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc không có một danh nghĩa nào ngoài là phóng viên và phiên dịch cho hãng Rosta (tiền thân của TASS) lương 150 đôla/ tháng, với tên Nga: Nilốpxki, tên Trung Hoa: Lý Thuỵ.

Trong tình trạng “bất hợp pháp” ấy, muốn hoạt động cho Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc phải nhờ Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu với Đảng Cộng sản Trung Quốc để móc nối với cơ sở, còn về phương tiện thì phải tự lực hoàn toàn. Vì phải dùng tiền lương vừa để sinh sống vừa chi cho công việc, Nguyễn Ái Quốc thường viết thư cho QTCS than phiền và luôn đề nghị giúp đỡ về tài chính.


2. Mặc dù với những khó khăn như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã gặp rất nhiều thuận lợi khách quan để triển khai những hoạt động đã định trước của mình.

  • Nguyễn Ái Quốc có mặt tại Quảng Châu vừa đúng lúc phái bộ quân sự của Nga đã đến đầy đủ: khoảng 50 huấn luyện viên. Chuyến tàu chở vũ khí của Nga đầu tiên từ Vladivostok đã đến Quảng Châu vào 8-10-1924. Mặt trận thống nhất giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân Đảng đã hình thành xong trong Đại hội lần thứ nhất của Quốc dân Đảng vào tháng 1-1924. Trong 10 đảng viên cộng sản được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng thì có ba người được cử vào Ban Thường vụ [19]. Đoàn Thanh niên Xã hội Chủ nghĩa cũng gia nhập Quốc dân Đảng với tư cách cá nhân. Trong khi đó thì việc thiết lập Trường Võ bị trên đảo Hoàng Phố (sông Châu Giang) đã được chấp thuận thành lập.

  • Để triển khai công việc, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách liên lạc ngay với cộng đồng những người Việt Nam. Sau khi đế chế Mãn Châu sụp đổ 1911, Quảng Châu đã trở thành tiền đồn của những chiến sĩ Việt Nam lưu vong. Nhưng sự giúp đỡ của cách mạng Trung Quốc nhạt đi, cộng với tình trạng khủng bố quyết liệt của thực dân trong nước đã làm cho những hy vọng phai dần. Một số hành động khủng bố của Phan Bội Châu, mục đích lôi cuốn sự quan tâm của Tôn Dật Tiên và Đức, đã làm cho Quang phục Hội mất đi một số cán bộ. Việc đặt bom tại khách sạn Hà Nội vào tháng 4-1913, trong đó có hai người anh của Phan Văn Trường tham dự, đã làm 7 chiến sĩ bị xử tử và 57 người khác bị tù.

  • Những người Việt lưu vong ở miền Nam Trung Quốc bấy giờ không phải là một cộng đồng chặt chẽ. Họ thường vào học các trường võ bị địa phương, nhiều nhất tại trường Vân Nam do tướng Yang Ximin chỉ huy. Có một số sống ngoài vòng pháp luật, như Tam Kam Say, buôn thuốc phiện và cướp trâu ở biên giới. Uy tín của Phan Bội Châu ở đây không còn như cũ. Bị quân phiệt Trung Quốc bắt giam từ 1914-1917, sau khi được tha, ông đã về Hàng Châu kiếm sống bằng những bài viết gửi cho tạp chí Hàng Châu quân sự; 1918 bị Phan Bá Ngọc thuyết dụ viết bài luận “Pháp Việt đề huề” [20]. Sau bao nhiêu thất vọng, đợi chờ, nhiều người Việt Nam lưu vong (trong đó có Phan Bội Châu) đang muốn hướng về nước Nga cộng sản như một chỗ dựa mới để chống đế quốc. Vấn đề phân liệt giữa Quốc gia/Cộng sản bấy giờ chưa hề đặt ra, nhất là trong những năm Nga-Trung hợp tác.



3. Có lẽ nhờ vào những thuận lợi ấy, vừa đến Quảng Châu không lâu, ngày 18-12-1924, Nguyễn Ái Quốc đã có thể báo cáo được ngay kết quả của công tác với QTCS:

“Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia Annam, trong số này có một người đã xa rời xứ sở từ ba mươi (hai mươi thì đúng hơn - LP) năm nay. Trong thời gian đó ông ta đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống Pháp. Tất cả những cuộc nổi dậy ấy đều đã đưa tới mấy cái chết của mấy tên sĩ quan và binh lính Pháp, sự chiếm đoạt mấy khẩu súng và… là việc người của chúng ta chạy thoát, do không được giúp đỡ và viện trợ.

Mục đích duy nhất của ông này là trả thù cho nước, cho nhà đã bị bọn Pháp tàn sát. Ông không hiểu chính trị, và lại càng không hiểu việc tổ chức quần chúng. Trong các cuộc thảo luận, tôi đã giải thích cho ông hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hành động không có cơ sở. Ông đã đồng ý. Và đây là những việc mà chúng tôi bắt đầu cùng nhau tiến hành:

a.    Tôi đã vạch một kế hoạch tổ chức và xin gửi kèm bản sao theo đây.

b.   Sau khi tán thành kế hoạch này, ông đã đưa cho tôi một danh sách 10 người Annam đã cùng ông hoạt động bấy lâu.

c.    Tôi đã chọn 5 người quê ở 5 tỉnh khác nhau. Chúng tôi sẽ cử một người Annam đưa họ tới Quảng Châu. Tôi sẽ huấn luyện cho họ về phương pháp tổ chức. Chúng tôi sẽ gửi họ về Đông Dương hoạt động sau ba tháng học tập; và chúng tôi sẽ lấy ra một đoàn khác. Trong lúc này, đây là biện pháp duy nhất…” [21].

Vì bảo mật, trong thư Nguyễn Ái Quốc không nêu tên nhà “cách mạng quốc gia”, nên bây giờ chúng ta chỉ có thể đoán ra thôi. Hầu hết những người nghiên cứu cộng sản Việt Nam đều cho rằng đó là Phan Bội Châu [22]. Đã có nhiều ý kiến ngược lại, như của Boudarel căn cứ vào Phan Bội Châu niên biểu để chứng minh [23]. Nhưng đáng chú ý nhất có lẽ là phát hiện của nhà nghiên cứu Vĩnh Sính ở Đại học Alberta, Canada về ba bức thư bằng chữ Hán của Phan Bội Châu từ Hàng Châu gửi Lý Thuỵ, Hồ Tùng Mậu và Lâm Đức Thụ, lưu trữ tại Trung tâm Văn khố Hải ngoại (CAOM) ở Aix-en-Provence (Pháp) [24]. Căn cứ vào ba bức thư ấy, ông Vĩnh Sính đã kết luận: Nguyễn Ái Quốc có tiếp xúc với Phan Bội Châu, nhưng chỉ qua thư từ nhờ Hồ Tùng Mậu chuyển, chứ không hề gặp trực tiếp. Trong thư gửi Lý Thuỵ ngày 14-2-1925 (nhờ Hồ Tùng Mậu chuyển), Phan Bội Châu có tỏ ý muốn “tìm một dịp tốt về Quảng Đông một chuyến để đàm luận” “cho hết ý” với Lý, nhưng theo ông Vĩnh Sính, dự định ấy “cũng không thực hiện được, vì sau đó, vào tháng 6 năm 1925, khi Phan trên đường từ Hàng Châu về Quảng Đông thì Phan bị nhà đương cuộc Pháp bắt cóc khi ghé qua Thượng Hải” [25].

Vậy nếu “nhà cách mạng Annam” nói trên không phải là Phan Bội Châu thì là ai?

Theo sự phân tích của Sophie Quinn-Judge, đó có thể hoặc là Nguyễn Hải Thần hoặc Hồ Học Lãm, cả hai đều có anh và cha bị Pháp giết. Nhưng Hồ Học Lãm, chú của Hồ Tùng Mậu, dường như ở Hàng Châu suốt thời kỳ này. Có vẻ như Nguyễn Hải Thần thì đúng hơn. Một mật báo của Pháp 1933 cho biết khi đến Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã “khôn khéo tham khảo Nguyễn Cẩm Giàng, ông này rất có uy tín với đồng bào ông”. Báo cáo ấy cho biết với sự giúp đỡ của Nguyễn Cẩm Giàng, Nguyễn đã lập ra một nhóm mới, nhưng rồi sau này do bất đồng, Giàng đã đứng ra lập một nhóm khác. Nguyễn Cẩm Giàng là ai? Điều này đã được làm sáng tỏ trong báo cáo của Lâm Đức Thụ gửi cho mật thám Pháp: Nguyễn Cẩm Giàng chính là Nguyễn Hải Thần [26]. Trong một báo cáo khác, Lâm Đức Thụ còn nói rõ hơn: “Lý Thuỵ và Nguyễn Hải Thần đang hoạt động tích cực để thành lập Hiệp hội, Phan Bội Châu không biết” [27].

Dù có ý thức cảnh giác khá cao, Nguyễn Ái Quốc đã vấp phải một sơ hở cực kỳ tai hại, và có lẽ cũng không lường được là ngay khi chiêu mộ người để thành lập những hạt nhân ban đầu cho tổ chức, anh đã để lọt vào hàng ngũ của mình một mật thám của Pháp là Lâm Đức Thụ [28] trong một thời gian khá dài. Tất cả những hoạt động của những tổ chức do anh tạo ra ở Quảng Châu đều đã được báo cáo hết với Mật thám Pháp, không phải từ khi vừa đến Quảng Châu mà mãi đến về sau khi anh trở lại Nga rồi sang Thái Lan (1929) [29].


Những hạt nhân ban đầu

1. Như vậy, qua Nguyễn Hải Thần [30], Nguyễn Ái Quốc đã lập ra được một nhóm cách mạng bí mật ở Quảng Châu, mà nội dung hoạt động của nhóm ấy, qua bức thư 18-12-1924 gửi QTCS, đúng là chương trình của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Nhưng bấy giờ, vào khoảng tháng 1, tháng 2 năm 1925, trong các thư báo cáo cho QTCS, Nguyễn Ái Quốc đều gọi đó là “Việt Nam Quốc dân Đảng”, hoặc “Quốc dân Đảng ở Đông Dương”, theo nghĩa mà ta có thể suy ra là: đã xâm nhập và chuyển hoá Quốc dân Đảng của Phan Bội Châu [31] thành một tổ nòng cốt.

Mặc dù luôn luôn than phiền về việc thiếu tiền, hoạt động của Nguyễn vẫn có những tiến triển rất đáng khích lệ. Trong báo cáo ngày 19-2-1925 gửi QTCS, Nguyễn Ái Quốc cho biết đã có được 9 hội viên trong nhóm bí mật (2 người đã được đưa về nước, 3 người trong quân đội Tôn Dật Tiên, 2 đoàn viên dự bị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin, trong số những hội viên ấy có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản (có lẽ của Trung Quốc vì Việt Nam chưa có Đảng) [32]. Nguyễn Ái Quốc không nói tên, nhưng qua hồi ký của những đảng viên cộng sản Việt Nam sau này, người ta biết đó là Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ, Lê Quảng Đạt. Trừ có Lâm Đức Thụ là người Thái Bình, tất cả đều là người thuộc nhóm Tâm Tâm Xã quê ở Nghệ An.

Với sự chiêu tập nhờ vào tình đồng hương đó, Nguyễn Ái Quốc cũng đã tiếp nhận luôn cả cơ sở hoạt động cũ của Phan Bội Châu, trong đó có cả cơ sở ở Thái Lan, căn cứ vào đó Nguyễn Ái Quốc có ý định mở rộng thêm phạm vi (Quảng Tây, cực nam Quảng Đông, Bangkok, Tichkho (Thái Lan), Lạc Phách, tả ngạn sông Mekong (Lào). Một điều khá quan trọng trong kế hoạch của Nguyễn Ái Quốc: xin giúp đỡ tài chính để đưa sinh viên Annam sang Moskva học tập, vì đây là phương cách đào tạo cán bộ lãnh đạo không thể thiếu cho việc mở rộng phong trào.

Đầu năm 1925, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị, phê phán các phong trào yêu nước của các sĩ phu đầu thế kỷ 20, giới thiệu các phong trào cách mạng thế giới và những kỹ thuật tổ chức, tuyên truyền vận động quần chúng theo phương pháp của Lenin. Hầu hết những học viên của khóa học này (khoảng 10 người) đều đã hoạt động tại Quảng Châu từ trước. Đến tháng 6-1925, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội được thành lập, tuần báo Thanh niên cơ quan của Hội ra mắt số đầu tiên. Tháng 7-1925, phối hợp với một số người Trung Quốc lập ra Hội Liên hiệp các Dân tộc bị Áp bức; Nguyễn Ái Quốc đứng tên công khai là Lý Thuỵ (lúc này Nguyễn Hải Thần còn hợp tác) lãnh đạo Hội với chức Bí thư kiêm phụ trách tài chính đồng thời đảm nhận trực tiếp chi bộ Việt Nam của Hội.


2. Năm 1926, hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu gặp khó khăn. Sau khi Tôn Trung Sơn chết vì bệnh (12-3-1925), những mâu thuẫn giữa các xu hướng trong Quốc dân Đảng Trung Quốc đã bộc lộ. Mùa hè 1925, Đới Quý Đào thuộc phe hữu xuất bản một loạt tác phẩm, trong đó có quyển Cơ sở triết học của chủ nghĩa Tôn Văn, đả kích Đảng Cộng sản, phê bình chủ nghĩa Mác. Ngày 10-3-1926, Tưởng Giới Thạch ra lệnh thiết quân luật toàn thành phố Quảng Châu, bắt giam Quyền cục trưởng Cục Hải quân Lý Chi Long, đảng viên Đảng Cộng sản, bao vây Lãnh sự quán Liên Xô [33]. Nhưng do hai bên biết kềm chế và nhượng bộ nên sự hợp tác vẫn chưa đổ vỡ. Borodin đồng ý với Thường vụ Quốc dân Đảng, giảm bớt vai trò của những đảng viên cộng sản trong Quốc dân Đảng: không được đứng đầu các ban ngành nhà nước, số người tham gia trong các Uỷ ban quy định chỉ còn 1/3 [34].

Công việc của Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục mặc dầu có chậm lại chủ yếu là do thiếu tiền [35]. Tháng 6-1926, báo cáo với QTCS, Nguyễn Ái Quốc cho biết đã làm được một số việc sau đây: 1) Lập được một tổ bí mật, 2) Tổ chức được Hội Liên hiệp Nông dân ở Xiêm, 3) Tổ chức một tổ thiếu nhi (con cái nông dân và công nhân hầu hết từ Xiêm sang), 4) Tổ chức một tổ phụ nữ cách mạng, 5) Tổ chức một trường tuyên truyền (các học viên bí mật đưa đến Quảng Châu), sau một tháng rưỡi học tập, được đưa về nước hoạt động [36].

Sau khoá huấn luyện đầu năm 1925, từ 1926 đến 1927, với “trường huấn luyện” [37] này, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức được hai khoá nữa. Khoá 2: Bắt đầu từ tháng 6-1926. Gồm khoảng 20 học viên [38] , trong đó một số thành viên của Đảng Phục quốc ở Vinh (sau đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng, rồi Tân Việt) là Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba (học trò Trần Phú). Khoá 3: Bắt đầu cuối 1926 và chấm dứt vào 2-2-1927, gồm khoảng 30 người, có đủ người ở ba miền, Nghệ Tĩnh vẫn nhiều nhất: Vương Thúc Oánh (con rể Phan Bội Châu), Phan Đăng Lưu, Hoàng Ngọc An, Ngô Sĩ Sách, Ngô Đức Trì, Hà Huy Tập (trong Việt Nam Cách mạng Đảng ở Vinh)… [39]. Cuộc vận động và huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm này đã đạt được kết quả đáng kể: việc thâu phục được Tâm Tâm Xã còn được tăng cường thêm nhiều thành viên của Phục quốc (Cách mạng Đảng). Trong lúc đó, một phái đoàn của QTCS gồm có Jacques Doriot (đã trở thành chủ tịch Ban Thuộc địa của Đảng CS Pháp), Tom Mann (Anh) và Earl Browder (Mỹ) sang Quảng Châu quan sát và đã được Nguyễn Ái Quốc hướng dẫn và tranh thủ sự giúp đỡ [40]. Ngày 3-3-1927, Doriot, Nguyễn Ái Quốc và Volin (đại diện nhóm cố vấn Nga) thoả thuận một bản ghi nhớ đồng ý để Nguyễn chuẩn bị một ngân sách gửi lên QTCS trong khi đó Doriot viết một tuyên ngôn cho Đoàn Thanh niên Cách mạng Việt Nam cùng với một nghị quyết hoạch định tương lai cho tổ chức này [41].


3. Có thể coi tuyên ngôn do Doriot viết trên đây là tổng kết những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu trong những năm 1925-1927, trong tuyên ngôn này Doriot nói rõ Thanh niên là một tổ chức quốc gia có mục đích công khai không khác gì Quốc dân Đảng Trung Quốc. Ý tưởng được nhấn mạnh ở đây là cần thực hiện mặt trận thống nhất dân tộc: trừ một số rất nhỏ những kẻ trục lợi, tất cả mọi người (công nhân, nông dân, thương gia và trí thức) đều tìm thấy ích lợi trong sự nghiệp chống đế quốc. Không nên từ khước bất cứ cố gắng nào để lôi cuốn họ vào những cuộc tranh đấu có tổ chức hằng ngày. Không nên từ chối sự hợp tác của họ. Dù rằng tuyên ngôn ấy có kể đến Cách mạng Nga như một mẫu mực chống đế quốc, nhưng không thấy chỗ nào nói đến chủ nghĩa cộng sản. Ý định muốn xây dựng Thanh niên thành một tổ chức quốc gia của QTCS cũng đã được Lâm Đức Thụ nhấn mạnh trong báo cáo ngày 17-3-1925: “Gần đây, những nhà cách mạng Trung Quốc và Pháp đã khuyến khích ‘các đồng chí’ tạo ra một đảng giống như đảng cách mạng dân tộc Trung Quốc, với một cơ quan tuyên truyền và thông tin rộng khắp thế giới” [42].

Nói cách khác thì để phù hợp với đường lối của QTCS – thực chất do Nga chi phối – Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội chưa phải là một đảng cách mạng đúng nghĩa mà chỉ một tổ chức bình phong hoạt động theo đường lối dân tộc – cùng tồn tại đồng thời với những tổ chức quần chúng khác như Thiếu nhi, Phụ nữ, Nông hội… – tập hợp các đối tượng trong giới sinh viên trí thức, số lượng ít ỏi và chất lượng chưa cao. Xét một cách khách quan thì điều này cũng do tình hình nội tại trong nước quy định – phong trào trong nước chưa có gì. Trong điều kiện ấy, thích hợp nhất, là một tổ chức hình thành từ bên ngoài và từ bên trên trước, rồi sau đó tiến đến việc đưa dần vào bên trong và bên dưới, và cũng chính trong tổ chức ấy, hình thành những hạt nhân cộng sản (Thanh niên Cộng sản Đoàn…) làm nòng cốt điều động phương hướng cho phong trào [43]. Để tạo ra cái vốn nhân sự ban đầu ấy, theo phương pháp của QTCS, Nguyễn không biết tìm ở đâu ngoài việc tuyển mộ và chuyển hoá những thanh niên tiểu trí thức nửa Tây nửa Nho (phần lớn là những đồng hương của anh) đang hoạt động trong các tổ chức yêu nước có sẵn (Tâm Tâm Xã, Tân Việt…). Kết quả dù sao cũng rất đáng kể trong bước khởi đầu, như Nguyễn đã báo cáo tổng kết gửi Ban phương Đông vào tháng 6-1927:

“Mặc dù thiếu thời gian và tiền, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí người Nga và Annam, chúng tôi đã có thể: 1) Đưa 75 thanh niên Annam đến học ở Trường tuyên truyền do chúng tôi tổ chức ở Quảng Châu, 2) Xuất bản ba tờ tuần báo nhỏ, 3) Phái những người tuyên truyền vừa mới được đào tạo về Xiêm, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ 4) Thành lập một liên đoàn cách mạng do một uỷ ban gồm 5 uỷ viên ở Quảng Châu lãnh đạo, liên đoàn đã bắt rễ khắp nơi trong tất cả các xứ Đông Dương đó” [44].


4. Giữa lúc Nguyễn Ái Quốc cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của QTCS để mở rộng hình thức hoạt động nói trên thì tình hình ở Quảng Châu trở nên xấu đi đột ngột. Cuộc đảo chính ngày 12-4-1927 của Tưởng Giới Thạch khởi đầu từ Thượng Hải với một chiến dịch khủng bố quy mô lan tràn khắp nơi từ Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Phúc Kiến, Quảng Tây, Tứ Xuyên… đã phá nát phong trào lao động cánh tả ở đây và đẩy Đảng Cộng sản Trung Quốc vào hoạt động bí mật. Ngày 15-4, ở Quảng Châu có hơn 2000 vừa đảng viên cộng sản vừa dân thường bị giết. Ngày 28-4-1927, Lý Đại Chiêu, một người sáng lập ra Đảng Cộng sản Trung Quốc bị giết tại Bắc Kinh [45]. Nguyễn Ái Quốc sau khi rời Trung Quốc, về đến Nga đã báo cáo tình hình ấy với Ban phương Đông QTCS như sau:

“Khi cuộc đảo chính nổ ra, 3 trong 5 uỷ viên của Uỷ ban Đông Dương bị bắt, tôi suýt bị bắt, tướng Lý Tế Thâm có quan hệ mật thiết với bọn đế quốc Pháp ở Đông Dương và ở Hạ Môn, một đồng chí người Nga duy nhất có trách nhiệm lúc đó đang ở Quảng Châu lúc đó cũng không thể giúp đỡ chúng tôi, hoặc cho một lời khuyên nào, thậm chí ngừng trả tiền cho tôi với tư cách là người phiên dịch. Khi đó tôi chỉ còn cách là phải chọn gấp giữa hai con đường hoặc là để bị bắt hay tiếp tục qua Moscou về công tác ở Xiêm” [46].

Trong tình thế cực kỳ nguy hiểm ấy, Nguyễn Ái Quốc đã chấm dứt sứ mệnh những năm 1925-1927 của mình ở Trung Quốc. Do công việc của anh trong thời kỳ này hoàn toàn tuỳ thuộc vào đường lối hợp tác của Nga với Quốc dân Đảng cho nên sự thành công và thất bại của anh ở đây, liên hệ đến Việt Nam, cũng hoàn toàn là sự thành công và thất bại của đường lối ấy. Nhận xét này rất quan trọng để chúng ta hiểu thêm những bước thăng trầm của Nguyễn Ái Quốc trong những năm kế tiếp, đặc biệt nhất là cái khoảng thời gian trước và sau khi anh đứng ra hợp nhất các phe phái khác nhau trong phong trào cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

© 2007 talawas

 


[1]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXb Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tr. 179 hoặc Đặng Hoà: Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2001, tr. 69.
[2]Hồ Chí Minh toàn tập, T 1, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, tr. 252.
[3]Như trên, tr. 303.
[4]Ngày 16-10-1923 Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân gồm 52 người. 17-10, Hội đồng họp lần đầu tiên, được bầu vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng gồm 11 uỷ viên.
[5]“1. Trong những tháng mười hai, tháng giêng và tháng hai tôi thuê phòng số 176, ở đây bao giờ cũng có 4, 5 người thuê. Ban ngày thì tiếng ồn liên tục ngăn trở tôi làm việc. Ban đêm tôi bị rệp ăn thịt, không cho tôi nghỉ ngơi. Vì vậy tôi không muốn trả 5 rúp về tiền nhà để tỏ sự phản đối. 2. Từ tháng ba, tôi nhận một phòng nhỏ, rất nhỏ. Sở quản lý nhà buộc tôi phải gánh 13 rúp 74 cho tháng ba và 11 rúp 61 cho những tháng sau. So sánh không gian hẹp và trang bị nội thất quá đơn sơ so với các phòng khác rộng hơn nhiều, tiện nghi hơn, có nhiều đèn, điện thoại, tủ, ghế bành, phòng tắm, v.v… và tiền thuê thoả đáng thì giá mà người ta buộc cho tôi là hoàn toàn đáng công phẫn”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 248).
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, T1, Sđd, tr. 273-274.
[7]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 186-187
[8]Như trên, tr. 191-192.
[9]“Việc thành lập trường đại học bônsêvích đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử các dân tộc thuộc điạ ở phương Đông, và nhà trường đã dạy chúng tôi nguyên lý đấu tranh giai cấp, và nhà trường đã đặt mối liên hệ giữa chúng tôi với các dân tộc phương Tây và trang bị cho chúng tôi – những người nô lệ – khả năng hoạt động chặt chẽ” (Báo L'Unità, 15-3-1924, trong Hồ Chí Minh toàn tập, T1, Sđd, tr. 483).
[10]Hélène Carère et Stuart Schram: Le marxisme et l'Asie 1853-1964, Armand Colin, Paris, 1965, tr. 218.
[11]Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 52
[12]Epghênhi Côbôlép: Đồng chí Hồ Chí Minh, tập 1, Thanh Niên, Hà Nội, 1985, tr. 175.
[13]Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr. 147.
[14]Jean Lacouture: Ho Chi Minh, Vintage books, Newyork, 1968, tr. 46.
[15]Thư 19-9-1924 gửi Treint, Đảng Cộng sản Pháp, Uỷ viên Ban chấp hành QTCS. (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 203).
[16]Hồ Chí Minh toàn tập, T1, Sđd, tr. 303.
[17]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 1.
[18]Quyết định ngày 14-4-1924 của Ban phương Đông QTCS do Petrov ký. (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tr. 189).
[19]Bắt đầu từ cuối năm 1922, dưới ảnh hưởng của Nga, QTCS đã chỉ đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện đường lối “mặt trận thống nhất” của Lênin một cách hết sức đặc biệt: trong khi vẫn giữ tính độc lập của Đảng Cộng sản Trung Quốc về mặt tổ chức thì những cá nhân các đảng viên phải gia nhập Quốc dân Đảng của Tôn Dật Tiên. Sau nhiều lần thương lượng với Tôn Dật Tiên, chính sách này được áp dụng rộng rãi bắt đầu từ Đại hội lần thứ nhất của Quốc dân Đảng, tháng 1 năm 1924. (Xem Hélène Carère và Stuart Schram: Sđd, tr. 79-80).
[20]Phan Bá Ngọc, con của Phan Đình Phùng, bị cám dỗ bởi chương trình “cải cách” của Albert Sarraut, nên đã làm việc này. Bị coi là phản bội, Phan Bá Ngọc bị Lê Hồng Sơn, theo lệnh của Cường Để, ám sát năm 1922 (Phan Bội Châu: Tự phán, Sđd, tr. 229).
[21]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, trr. 8-9.
[22]Như Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 122. Không chỉ khẳng định, có tác giả còn hư cấu ra cả một “kịch bản” đối thoại về “hai ngày chung sống giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc tại báo Hàng châu quân sự, như Thanh Đạm: Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, Nxb Nghệ An – Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1998, tr. 57-71.
[23]Phan Bội Châu niên biểu được Georges Boudarel chuyển sang Pháp văn là Mémoires de Phan Bội Châu in trong tạp chí France- Asie số 194-195 (Paris, 1969). Căn cứ vào một đoạn trong PBCNB, Boudarel ghi chú: Phan Bội Châu cho biết ông đến Quảng Châu từ tháng 7 đến tháng 9 (1924), trong khi đó Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu 3 tháng sau đó (tháng 12-1924), hai người không thể gặp nhau. Xem Chương Thâu–Trần Ngọc Vương: Phan Bội Châu, về tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr. 325.
[24]Xem Vĩnh Sính: “Mối liên hệ giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc, 1924-1925 – giới thiệu tài liệu mới phát hiện”, trong Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hoá, Nxb Văn Nghệ, Tp Hồ Chí Minh, 2001, tr. 231-242.
[25]Về việc Phan Bội Châu bị Pháp bắt cóc, Vĩnh Sính viết: “Trong PBCNB (Phan Bội Châu niên biểu), Phan Bội Châu quy cho Nguyễn Thượng Huyền, người được Phan “nuôi dưỡng” ở Hàng Châu, tội mật báo với Pháp “thời khắc đi đường và hành động” của Phan để họ bắt cóc Phan ở ga Thượng Hải. Trong khi đó, Kỳ Ngoại hầu Cường Để, trong hồi ký, lại quy cho Lâm Đức Thụ là người chủ mưu” (Vĩnh Sính: Sđd, tr. 242). Sophie Quinn-Judge trong luận án Nguyen Ai Quoc, The Comintern and The Vietnamese Communist mouvement 1919-1941 đã tỏ vẻ đồng tình với ý kiến của Cường Để và phản bác toàn bộ những cái mà bà gọi là “anti-communist version” cho rằng chính Nguyễn Ái Quốc là người đã báo cho Pháp bắt Phan Bội Châu vừa để khử một đối thủ chính trị đáng gờm, vừa để lấy tiền của Pháp lập quỹ cho cách mạng cộng sản, lại vừa tạo ra sự kích động chống Pháp trong dân chúng (Xem Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 80-81).
[26]Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 83.
[27]Như trên, tr. 85. Thật sự thì căn cứ vào bức thư của Phan Bội Châu gửi Hồ Tùng Mậu ngày 3-3-1925, trước đó Lý Thuỵ có hỏi ý kiến Phan Bội Châu về việc thành lập đoàn “Tân Thanh niên” và Phan đã trả lời là “cực lực tán thành” (Xem Vĩnh Sính:, Sđd, tr. 239).
[28]Lâm Đức Thụ tên thật là Nguyễn Công Viễn (thường được gọi là Trương béo), tên mật thám là Pinot (Agent Pinot), tốt nghiệp Đại học quân sự Bắc Kinh. Về sau người ta biết được đó là con của Nguyễn Hữu Đán (Đản?), ông ngày là bạn đồng song của ông thân sinh Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Sinh Huy tại Viện Hàn lâm Quốc tử giám tại Huế. Thụ làm nghề nhiếp ảnh tại Quảng Châu, rất nhiều lính mới tuyển của Thanh niên đã bị Thụ chụp hình, qua những ảnh này, thực dân Pháp đã nhận diện những người cộng sản bị nghi ngờ vào những năm 1930-1931 (Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 76).
[29]Chính vì việc này mà năm 1935, Hà Huy Tập, Tổng Bí thư ĐCSĐD sau Đại hội Macao 1935 đã tố cáo với QTCS là Nguyễn Ái Quốc phải chịu trách nhiệm về việc có cả trăm cán bộ Thanh niên khi về nước đã bị Mật thám Pháp bắt. Theo Hà Huy Tập, Nguyễn biết Lâm Đức Thụ là mật thám mà vẫn tin dùng (sẽ nói trong chương IV). Không biết đúng sai như thế nào, nhưng có bằng chứng cho biết Nguyễn rất thân thiết với Lâm: khi tới Quảng Châu hoạt động, Nguyễn đã nhờ vợ chồng Lâm Đức Thụ làm mai để cưới một người vợ Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh (đám cưới tổ chức vào tháng 10-1926, khi Nguyễn Ái Quốc 36 tuổi, Tăng Tuyết Minh 21 tuổi, hôm cưới có Đặng Dĩnh Siêu, vợ Chu An Lai dự). Sau cuộc đảo chính 1927 của Tưởng Giới Thạch, trong khi Nguyễn qua Nga, sang châu Âu tìm cách về Xiêm, có nhờ gửi vợ một bài thơ bằng chữ Hán sau đây: [Không hiểu sao thư lại bị mật thám Đông Dương chặn được ngày 14-8-1928, hiện lưu tại CAOM (Aix-en-Provence); Daniel Hémery công bố trong HO CHI MINH: De l'Indochine au Việt Nam, Gallimard, Paris, 1990, tr. 145].
Phiên âm: Dữ muội tương biệt, Chuyển thuấn niên dư, Hoài niệm tình thâm, Bất ngôn tự hiểu, Tư nhân hồng tiện, Dao ký thốn tiên, Tỷ muội an tâm, Thị ngã ngưỡng vọng. Tinh thỉnh Nhạc mẫu vạn phúc. Ký: Chuyết huynh THUỴ.
Dịch nghĩa: Cùng em xa cách, Đã hơn một năm, Thương nhớ tình thâm, Không nói cũng rõ, Cánh hồng thuận gió, Vắn tắt vài dòng, Để em an lòng. Và xin kính chúc Nhạc mẫu vạn phúc. Ký: Anh ngu vụng: LÝ THUỴ. (Bản dịch N.H. Thành).
Tài liệu về việc Hồ Chí Minh có vợ tại Quảng Châu: Hoàng Tranh: “Hồ Chí Minh với người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, tạp chí Đông Nam Á Tung hoành số tháng 11-2001, xuất bản tại Nam Ninh. Bản dịch tiếng Việt: Minh Thắng, đăng trên tạp chí Diễn Đàn (xuất bản tại Pháp), số 121 tháng 9-2002.
[30]Người theo chủ nghĩa dân tộc, xứ Bắc, chủ trương bạo động. Theo phong trào Đông du của Phan Bội Châu, qua Nhật 1905. Sau khi phong trào bị chính phủ Nhật cấm, đã sang Trung Quốc. Mật thám Pháp cho biết chính Nguyễn Hải Thần đã chỉ huy Phạm Hồng Thái đánh bom định giết toàn quyền Merlin tại Quảng Châu 1924. Do là một sĩ quan trong quân đội Vân Nam, Nguyễn Hải Thần không tham gia Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, nhưng đã hợp tác khá chặt chẽ với Nguyễn Ái Quốc trong một thời gian. Theo báo cáo của Lâm Đức Thụ thì trong hợp tác, hai người vẫn tự do theo đuổi đường lối riêng của mình. Tháng 5-1925, Nguyễn Hải Thần thất thế hoàn toàn do cùng mấy tướng quân phiệt Vân Nam nổi loạn và đã bị học viên võ bị Hoàng Phố dập tắt. Đã tham gia “Bị áp bức Liên hiệp hội” và góp phần xuất bản báo Thanh Niên. Mùa hè 1925, theo sự phân công của Lý Thuỵ, Nguyễn Hải Thần có về Bắc Kỳ vận động người sang học ở Quảng Châu. Nhưng đến 1926 thì mối quan hệ giữa hai người bắt đầu rạn nứt và chấm dứt vào 1927. Theo Lâm Đức Thụ, vì tranh giành ảnh hưởng, Nguyễn Hải Thần thường ganh tị với Lý Thuỵ. (Xem Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 95).
[31]Phan Bội Châu lập ra 1924 thay cho Việt Nam Quang phục Hội chỉ còn là “một bức thần vị để tế ở trên bàn thờ”. (Phan Bội Châu: Tự phán, Nxb Văn hoá thông tin, 2000, tr. 248).
[32]Hồ Chí Minh toàn tập, T.2, tr. 141.
[33]Nguyễn Gia Phu – Nguyễn Huy Quý: Lịch sử Trung Quốc, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr. 270–271.
[34]Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 93.
[35]Theo báo cáo của Lâm Đức Thụ, để vận động thêm tài chính, từ 1925, Lý Thuỵ đã tính đến chuyện liên hệ với người bạn cũ tên là Khánh Ký, quen từ Paris, bấy giờ đã về Sài gòn, vẫn làm nghề nhiếp ảnh. Bùi Quang Chiêu, thầy dạy cha Nguyễn Ái Quốc ở Huế, trong Đảng Lập hiến, khá giàu có, cũng được Lý Thuỵ tính đến trong việc quyên góp (Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 99).
[36]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Sđd, tr. 223.
[37]Có thể cuối năm 1925 hoặc đầu năm 1926 “trường huấn luyện” này mới chính thức thành lập (các lớp huấn luyện trước đó thay đổi địa chỉ luôn). Ở lối vào nhà có tấm biển “Ban huấn luyện chính trị đặc biệt”. Trên tường phòng học có treo chân dung K. Marx. V.I. Lenin, I.V. Stalin, Tôn Dật Tiên, Phạm Hồng Thái. Được chính phủ Tôn Dật Tiên coi như một phân hiệu của Trường Quân chính Hoàng Phố và đã hoạt động dưới sự giúp đỡ của chính phủ Quảng Châu. (Xem Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, Sđd, tr. 124).
[38]Gồm có những người đến từ các địa phương: Nghệ Tĩnh: Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng; Thanh Hoá: Hoàng Văn Tùng, Lê Mạnh Trinh, Trần Văn Đức, Nguyễn Văn Khang; Bắc Kỳ: Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Danh Đới, Trần Công Bắc (tức sau này là tướng Nguyễn Sơn); Xiêm: Võ Tòng, Đặng Thái Thuyến. Phạm Văn Đồng từ Quảng Ngãi cũng đến nhưng ốm phải đợi lớp sau. Lê Mạnh Trinh giữa đường ở lại, lớp sau mới sang. Còn Tôn Quang Phiệt và Hoàng Văn Tùng dọc đường bị bắt. (Thanh Đạm: Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, Sđd, tr. 126 -131).
[39]Những học viên ở các địa phương khác, Thanh Hoá: Lê Mạnh Trinh; Quảng Nam: Đỗ Quảng; Quảng Ngãi: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thiệu, Trương Quang Trọng; Thái Bình-Nam Định: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tường Loan, Nguyễn Ngọc Lân…; Hà Đông: Phiếm Chu; Bắc Ninh–Bắc Giang: Dương Hạc Đính, Kim Tôn; Nam Kỳ: Hồ Cao Cương (Tân An), Nguyễn Văn Thông (Sa Đéc), Bùi Văn Thêm (Sài Gòn)… Sau khi học Ngô Đức Trì, Trần Phú sang Nga học (cùng lúc với Bùi Lâm, Nguyễn Thế Rục, Bùi Công Trừng do Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu từ Pháp sang). Lê Thiết Hùng, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Long, Lê Quảng Đạt, Phùng Chí Kiên… được gửi sang trường Quân chính Hoàng phố (Thanh Đạm: Sđd, tr. 134 -138). Ngô Đức Trì (quê ở Hà Tĩnh con Ngô Đức Kế) khi về nước tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bị bắt năm 1930 và đã đầu hàng Pháp.
[40]Năm 1926, QTCS đã thành lập một Ban Bí thư mới cho nước Pháp, các thuộc địa của Pháp, Bỉ, Ý, và Thuỵ Sĩ, trong thời gian này, Đảng Cộng sản Pháp đựơc giao phụ trách phần lớn phong trào cách mạng ở Đông Dương (Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 104).
[41]Sophie Quinn-Judge, Sđd, tr. 105.
[42]Sophie Quinn-Judge: Sđd, tr. 106-107.
[43]1924, số hạt nhân thanh niên cộng sản này là 9 người, đến 1929 khi Thanh niên giải thể con số đã tăng lên đến 24 người. (Xem Huỳnh Kim Khánh: Vietnamese communism 1925-1945, Cornell University Press, 1982, USA, tr. 78).
[44]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Sđd, tr. 242. Theo nhiều nghiên cứu sau này thì ngoài Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cách mạng Đồng minh Hội, còn có ba tờ báo định kỳ khác là Công Nông, Lính cách mệnh, Việt Nam tiền phong. Riêng tờ Thanh Niên từ 21-6-1925 đến tháng 4-1927 do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách đã ra được 88 số, nhưng nếu tính suốt thời kỳ tồn tại của Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội (kể cả thời gian Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu cho đến khoảng tháng 4-1930) tổng cộng khoảng 200 số. (Xem Phạm Xanh: Sđd, tr. 115).
[45]Nguyễn Gia Phu – Nguyễn Huy Quý: Lịch sử Trung Quốc, Sđd, tr. 273.
[46]Hồ Chí Minh toàn tập, T2, Sđd, tr. 242.

 

Trở lại Trang Lữ Phương

 1-6-08