Lữ Phương trả lời  báo Cửa Việt

 

CửaViệt: Xung quanh cuốn sách “Lý luận và văn học” của Lê Ngọc Trà có rất nhiều ý kiến khác nhau. Chung quy lại vẫn là vấn đề “NGHIỀM NGẪM – PHẢN ÁNH” hay “PHẢN ÁNH - NGHIỀN NGẪM”…? Thưa anh Lữ Phương, CV kỳ này chỉ hỏi anh đúng một câu thôi: ý kiến của anh về vấn đề trên: PHẢN ÁNH hay NGHIỀN NGẪM? Hay buộc phải dung hòa bằng khái niệm PHẢN-NGHIỀN?

Lữ Phương: Với bài trả lời này, tôi muốn nhân việc tìm hiểu những lý lẽ phản bác cuốn Lý luận và văn học của Lê Ngọc Trà trình bày thêm một số suy nghĩ về tính đặc trưng của văn nghệ mà tôi đã có dịp nói qua cách đây không lâu (1); trong tất cả những ý kiến phản bác ấy, tôi đã chọn hai bài viết của Trần Ðình Sử (2) để thảo luận, vì tôi cho rằng hai bài viết ấy tiêu biểu cho một cung cách phê phán mà nếu được phân tích thì sẽ có thể làm nổi bật lên một số vấn đề căn bản về văn học nghệ thuật mà những người làm công tác lý luận cần phải quan tâm giải quyết.

Trước khi đi vào vấn đề, xin được tóm tắt mấy nét về lập luận của Trần Ðình Sử:

1) Lê Ngọc Trà và cả những người tán thành cách nói của Lê Ngọc Trà – dù muốn hay không cũng đã đồng nhất phản ánh với phản ánh đơn giản (miêu tả, ghi chép vô chủ thể và không nghiền ngẫm).

2) Chính vì đã quan niệm phản ánh như vậy, Lê Ngọc Trà mới mạnh dạn đề xuất “thuyết” nghiền ngẫm để mang lại chủ thể có suy nghĩ cho sự phản ánh vô chủ thể và không nghiền ngẫm nói trên.

3) Sự “hoán vị” ấy của Lê Ngọc Trà – đưa phản ánh xuống hàng thứ hai – tạm gọi là “nghiền ngẫm-phản ánh” thay vì “phản ánh-nghiền ngẫm” – là không xác đáng vì nếu hiểu đúng phản ánh thì mọi sự kể lại, miêu tả tự nó đã “bao hàm nghiền ngẫm, cắt nghĩa, giải thích ở trong rồi”.

4) Nghiền ngẫm như vậy chỉ là một hình thức của phản ánh (có tác phẩm nào mà chẳng nghiền ngẫm), cho nên không thể rút nó ra khỏi phản ánh, gọi đó là “đặc trưng” của văn học để tạo ra lý luận văn học.

Qua cách Trần Ðình Sử trình bày quan niệm của Lê Ngọc Trà như trên, ai cũng thấy Lê Ngọc Trà đã coi “phản ánh” là một cái gì nằm lỳ ra đấy để tiếp nhận một cách hoàn toàn thụ động những cái ngoài nó. Ai cũng phải kết luận rằng quan niệm ấy là không đúng và nếu dựa vào quan niệm ấy mà đi đến chỗ phủ nhận hoặc phê phán phản ánh luận thì lại không đúng hơn. Những gì tâm huyết của Lê Ngọc Trà khi nói về tính trung thực, dũng cảm của nhà văn trong việc thể hiện sự thật chẳng hạn, theo Trần Ðình Sử là rất đáng biểu dương, nhưng xét về mặt lý luận thì lại không tất yếu đi đôi với việc phải đặt lại vấn đề phản ánh trong văn nghệ: bản thân khái niệm phản ánh hiện thực đã dung chứa tất cả mọi thứ, từ khách quan đến chủ quan rồi, miễn là phải hiểu khái niệm ấy cho đúng, cho sâu. Người ta thấy tại sao Trần Ðình Sử lại tỏ ra rất mạnh dạn và rất tự tin để có thể đi đến chỗ coi công việc của Lê Ngọc Trà chẳng có gì là nghiêm túc cả, chẳng những “không phù hợp thực tế” mà còn là một thứ “phát hiện giật gân, chơi” thôi. Ngoài những người ngay từ đầu đã quyết liệt không chấp nhận Lê Ngọc Trà, theo chỗ tôi biết cũng có một số không ít bạn đọc, qua những gì Trần Ðịnh Sử viết, đã không cưỡng lại được cái thiên hướng xem Lê Ngọc Trà chỉ là người nói chuyện văn học một cách “cảm tính”, nặng về phần tình cảm nhiều hơn là làm sao cho lập luận được chính xác, chặt chẽ.

Nhưng sự thật thì như thế nào? Chúng ta hãy bắt đầu từ cái bắt đầu với câu hỏi này: có thật rằng Lê Ngọc Trà – và cả những người tán thành cách nói của Lê Ngọc Trà – đã hiểu “phản ánh” một cách quá đơn giản – và phải nói cho đúng: quá ngô nghê – như Trần Ðình Sử đã cho là như vậy hay không? Là một người đã đọc Lê Ngọc Trà, và cũng đã “tán thành cách nói của Lê Ngọc Trà”, tôi cho rằng hoàn toàn không phải là như vậy. Hãy đọc lại đoạn văn gây ra nhiều tranh cãi nhất trong cuốn sách của Lê Ngọc Trà chúng ta sẽ thấy rất rõ điều đó: “Không phải những người khuếch đại nhiệm vụ phản ánh hiện thực của văn học không nói đến sáng tạo của nghệ sĩ, đến tính tích cực chủ quan của nhà văn. Nhưng đây vẫn chỉ là một cái nằm trong khuôn khổ tính tích cực của sự phản ánh, nghĩa là phản ánh có suy nghĩ, có đánh giá, lựa chọn v.v… chứ chưa phải tính tích cực như nguyên lý tổng quát của sáng tạo nghệ thuật. Trên bình diện lý luận nghệ thuật (khác với bình diện lý luận phản ánh), văn học trước hết không phản ánh hiện thực mà là nghiền ngẫm về hiện thực” (3). Qua đoạn văn ấy, mọi sự dường như đã quá rõ ràng: nếu Trần Ðình Sử quan niệm trong phản ánh đã bao hàm nghiền ngẫm, cắt nghĩa, giải thích thì điều đó có khác gì với cách diễn tả của Lê Ngọc Trà về sự phản ánh có suy nghĩ, có đánh giá, chọn lựa. Lê Ngọc Trà đâu có “đối lập” phản ánh với “nghiền ngẫm”, đâu có coi phản ánh là “vô chủ thể, không nghiền ngẫm”.

Trước những điều quá hiển nhiên như vậy và thật ra chẳng cần phải tốn quá nhiều thời giờ và giấy mực cho nó - phải chăng người ta có quyền đặt ra một câu hỏi khác nữa: phải chăng chính Trần Ðình Sử mới làm một cú “phát hiện giật gân, chơi” đối với Lê Ngọc Trà, và nếu quả là như vậy thì tại sao Trần Ðình Sử lại có thể vội vàng để đến nỗi phạm phải một sai lầm quá tầm thường như vậy? Sẽ có nhiều cách để trả lời cho câu hỏi ấy, nhưng theo tôi, có lẽ là tại Trần Ðình Sử đã tỏ ra quá lo lắng: anh sợ có một thứ học “thuyết” nào đó định thay chỗ cho cái khái niệm phản ánh hiện thực vốn từ lâu được coi là “khoa học”, cụ thể ở đây anh sợ Lê Ngọc Trà sẽ “hoán vị” bằng cách đưa khái niệm phản ánh xuống hàng thứ yếu để đưa “nghiền ngẫm” lên trên. Cũng chính vì vậy người ta hiểu tại sao, Trần Ðình Sử đã bảo vệ khái niệm phản ánh bằng cách tập trung hết sức phê phán vào mấy chữ “nghiền ngẫm” trong toàn bộ hai bài báo để chứng minh cho được tính chất thừa thãi của chúng đối với thuyết phản ánh.

Tôi cho rằng sự lo lắng ấy thật ra không có mấy cơ sở. Nếu đọc lại Lê Ngọc Trà một cách đầy đủ - đặt hai chữ “nghiền ngẫm” vào toàn bài (“Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực”), lại đọc bài đó một lượt với những bài cùng tính chất (“Văn nghệ và chính trị”, “Vấn đề con người trong văn học”…) thì người ta sẽ thấy Lê Ngọc Trà chẳng có ý định lập “thuyết” hoặc chế tạo ra “công thức” gì cả, mà chỉ muốn dùng hai chữ ấy để diễn tả (như anh đã diễn tả bằng nhiều chữ khác) cái mà anh gọi là tính tích cực như nguyên lý của sáng tạo nghệ thuật bên cạnh tính tích cực của sự phản ánh mà thôi. Như vậy sự việc cũng dần dà trở nên sáng tỏ: nếu hiểu “nghiền ngẫm” như là cách diễn tả tính tích cực của chủ thể thì hiển nhiên trong lập luận của Lê Ngọc Trà cũng đã giả định có hai chủ thể của hai ngành hoạt động khác nhau: một là chủ thể nhận thức trong nhận thức luận được xem như một triết học về khoa học và một chủ thể sáng tạo trong nghệ thuật được xem là có những đặc trưng không giống với nhận thức luận, cả hai chủ thể ấy đều thuộc về các hình thái ý thức của con người, đều bị các tồn tại ở ngoài con người quyết định, nhưng cả hai đều là những hình thái ý thức riêng biệt bị quy định bởi những đối tượng riêng biệt. Rốt cuộc lại thì tất cả đều trở thành minh bạch: Lê Ngọc Trà không hề phủ nhận phản ánh luận (sự phê phán này ngày càng không đáng bàn), cũng chẳng hề phủ nhận tính tích cực của chủ thể nghiền ngẫm trong phản ánh, lại càng không chỉ dành cho nghệ thuật độc chiếm đặc trưng “nghiền ngẫm”, mà chỉ muốn nêu ra vấn đề cực kỳ quan trọng về mặt lý luận sau đây: người ta có thể biến quan điểm của triết học duy vật biện chứng và phản ánh luận về duy vật thành chính bản thân lý luận về nghệ thuật hay không (4). Tất cả những người phản bác Lê Ngọc Trà từ bấy lâu nay đều đã chỉ loay hoay với những vấn đề phụ thuộc chứ không đi thẳng được vào trung tâm của vấn đề cần thảo luận, do đó tuy đã kéo dài, nhưng vẫn chưa đưa được cuộc thảo luận tiến thêm những bước tích cực có lợi cho học thuật và Trần Ðình Sử, ngay từ lúc bước đầu cuộc tranh luận cũng đã không tránh khỏi khuyết điểm căn bản đó.

Chính vì vậy, thay vì đi sâu vào vấn đề đã được Lê Ngọc Trà đặt ra (và thử tìm cách giải quyết) thì Trần Ðình Sử lại lướt qua thật nhanh để từ đó đưa ra rất nhiều lời khuyên nhủ, cảnh cáo, nào là không nên đối lập phản ánh luận triết học và lý luận nghệ thuật, nào là đứng quên rằng hiện thực là nguồn cội của đời sống tinh thần v.v… Ở chỗ này, để khỏi phải né tránh quanh co, tôi cho rằng cách diễn đạt của Bùi Việt Thắng là khá chính xác: khi làm công việc ấy Trần Ðình Sử chỉ xô vào một cánh cửa đã mở sẵn mà thôi (5). Bởi vì nếu xuất phát từ cái ý muốn thật sự hiểu Lê Ngọc Trà thì anh sẽ thấy Lê Ngọc Trà chẳng có “đối lập” hoặc “phủ nhận” bất cứ cái gì mà anh vừa nói mà chỉ muốn trình bày điều khá rõ rệt sau đây: Khi đề cập các vấn đề văn học, người ta không thể chuyển một cách trực tiếp lý luận nhận thức về phản ánh sang lý luận về sáng tạo nghệ thuật, vì lẽ, (để hiểu ý Lê Ngọc Trà, người ta tất phải nhận thấy rằng) lý luận phản ánh chỉ đặt ra và giải quyết một cách khái quát nhất, trừu tượng nhất về sự quyết định của tồn tại nói chung đối với ý thức nói chung, khẳng định tính “vật chất” của những thực thể ở ngoài ý thức con người, và nếu xét về mặt đó, thì suy cho cùng ý thức chỉ là cái có sau, cái phụ thuộc, cái bản sao, bản rập, bản chụp của tồn tại nói chung, là hình ảnh chủ quan gần đúng với thế giới khách quan nói chung (6) chứ chưa phải là thứ lý luận đã được chuyển hóa thành một phương pháp tư duy đặc biệt để giải quyết một cách thích đáng mối quan hệ giữa ý thức nghệ thuật với cái hiện thực cụ thể đã làm đối tượng cho nghệ thuật, thông qua những phương tiện biểu hiện chỉ có nghệ thuật  mới có. Tất cả đòi hỏi hàng loạt những trạm biến đổi mang tính chất trung gian quanh co, gián tiếp: từ lĩnh vực tự nhiên sang lịch sử, từ lịch sử sang các ngành hoạt động riêng biệt… bất cứ khâu trung gian nào cũng phải phát sinh những phác thảo ý thức mới, những nội dung, hình thức mới, không hề thẳng tắp, một chiều. Ðặc biệt đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật – là một hình thức hoạt động hoàn toàn khác về chất với những hoạt động khác – thì sự chuyển hóa ấy càng trở nên phức tạp, uyển chuyển, bị chi phối bởi hàng loạt những yếu tố đến từ nhiều nguồn khác nhau (xã hội, cá nhân, quá khứ, tương lai, lý tính, cảm tính, tâm lý, sinh lý, ý thức, tiềm thức…), đa nghĩa, nhiều tầng, trong đó nhận thức chỉ là một – không phải là chính yếu, lại không phải là tất cả, cho nên sẽ hoàn toàn là khiên cưỡng khi chỉ với nhận thức luận người ta muốn suy ra tất cả cho lý luận nghệ thuật, hoặc coi lý luận nghệ thuật chỉ là một bộ phận của nhận thức luận. Cuốn sách của Lê Ngọc Trà, mặc dù chưa đưa ra được những lý giải hoàn toàn thỏa đáng cho những vấn đề phức tạp nói trên, nhưng cái cách đặt, cách xới vấn đề của tác giả của nó thì lại hoàn toàn tích cực, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn để biện chính, và nếu được thảo luận nghiêm chỉnh sẽ có hy vọng thúc đẩy lý luận văn học đi vào chiều sâu nhiều hơn, chứ không thể bị coi là một thứ “phát hiện giật gân, chơi” như cách nói của Trần Ðình Sử: đó là một thái độ thiếu đúng đắn, hẹp hòi, thiển cận.

Tôi cho rằng một trong những hàm nghĩa quan trọng chứa đựng trong cái nguyên lý do Lê Ngọc Trà nêu ra về tính tích cực của sáng tạo nghệ thuật là việc xác định được tính đặc thù của chủ thể nghệ thuật, từ đó phân biệt với chủ thể triết học, chủ thể nhận thức, khoa học: khoa học không đối lập với nghệ thuật đó là điều rõ ràng, nhưng khoa học và nghệ thuật đã phân thành hai cực cách xa nhau rất xa, đó là điều càng rõ ràng hơn. Cả hai đều có mục đích cải biến hiện thực nhưng khác với nhận thức khoa học hướng về những đối tượng giả định ở ngoài con người thì nghệ thuật lại hoạt động trong chính cái môi trường người, và hơn nữa lại là cái thế giới bên trong sâu thẳm của con người. Khác với kiến thức khoa học là sự cộng lại của nhiều kiến thức khác nhau, nghệ thuật lại đi con đường ngược lại: nó tạo ra những bất ngờ, những đứt đoạn đột biến, nó hình thành ra những sinh thể độc đáo, đơn nhất. Chủ thể nghệ thuật vì thế không phải là thứ ý thức vô ngã của một loài người nói chung, hướng về một thế giới có đó một cách lạnh lùng mà chính là một cách thức tồn tại ở đó bản chất xã hội của con người đã được cá biệt hóa để trở thành bản chất riêng – theo cách nói của Mác (7) cũng khách quan và hiện thực chứ không phải là tư biện, siêu hình. Giọt nước ở đây đã mang trong nó biển cả, cái riêng ở đây không còn là một tri thức biểu hiện cho mối quan hệ phổ biến-đặc thù mà đã trở thành nguyên lý của sáng tạo: sự khách thể hóa hoạt động sáng tạo. Ðiều đó chẳng phải là tính đặc trưng của nghệ thuật xét như một hoạt động thực tiễn đặc thù hay sao? Nghĩa là một hoạt động bị quy định bởi tất cả những giới hạn về không gian, thời gian, về trình độ phát triển vật chất, về tính quy định của hiện thực đối với ý thức, nhưng đồng thời lại mang trong bản thân nó khả năng vượt lên tất cả để trở thành một hoạt động tự do và phổ biến, dựa trên một hệ thống giá trị về thẩm mỹ để phê phán mọi cái hiện có, từ đó lôi con người về một thế giới chưa có không còn đổ vỡ, tha hóa nữa.

Tính tích cực ở đây đã trở thành nền móng để trên đó xây dựng lý luận về sáng tạo nghệ thuật. Nó giả định tất cả những gì ngoài nghệ thuật đều có thể đi vào tác phẩm miễn là phải qua một quá trình chuyển hóa đặc thù của nghệ thuật – trong quá trình chuyển hóa ấy vẫn rớt lại không ít những mảnh hiện thực mà cấu trúc của chúng là hoàn toàn tương đồng với cái cấu trúc của những nguyên mẫu ban sơ. Và cũng vì thế người ta đã hoàn toàn có đủ lý do lập ra hàng loạt những môn khoa học về nghệ thuật và văn học để khai thác một cách có hệ thống cái phần đã được phản ánh vào nghệ thuật như là những tri thức trong mọi lĩnh vực: lịch sử, phong tục, xã hội, tâm lý, bệnh lý, tính tình v.v… Tuy thế những phần tri thức chứa đựng trong tác phẩm, nếu đứng về mặt hoạt động của người sáng tạo mà xét thì lại không phải là một cái gì đó thật chính yếu, thật quan trọng, bởi vì đối với người nghệ sĩ, cái đang làm và mong muốn làm không phải là sự tích cực muốn ghi lại cho đúng, cho khoa học những cái đang có, đã có, những cái có thể, kiểm tra với những nguyên mẫu mà khoa học và nhận thức cung cấp cho: công việc ấy nếu có thì cũng phải lùi lại hẳn về phía sau để nhường cho sự vượt lên tạo dựng một cái gì đó chưa hề có, một thứ gì đó dường như chưa có mặt trên thế giới này – chẳng lẽ những lá dâu, qua cơ thể đặc biệt của con tằm, lại chỉ tiết ra được “hình ảnh” của những lá dâu hay sao? Ðối với hành vi chuyển hóa, đồng hóa như vậy của sáng tạo đối với hiện thực, tại sao người ta không thể gọi là “nghiền ngẫm-phản ánh” mà cứ nhất định phải gọi là “phản ánh” không thôi?

Tôi không nghĩ rằng đây chỉ là một trò chơi chữ, càng không phải là sự “hoán vị” và là một sự hoán vị “đáng buồn” như cách diễn tả của Trần Ðình Sử. Tất cả đều tùy theo cái vị trí mà anh chọn để nhìn sự vật và vấn đề. Nếu anh đang đứng về mặt nhận thức luận với tư cách là một thứ triết học về khoa học thì anh có toàn quyền coi nghệ thuật như là một thứ tài liệu, một thứ dữ kiện nào đó để từ đó suy ngẫm về sự tồn tại hay không tồn tại của vật chất và tinh thần - tất cả đều tùy thuộc vào cái hệ biến hóa được dùng làm nền cho quan điểm của anh. Nhưng khi anh bàn về nghệ thuật như một hoạt động đặc biệt trong đời sống, chẳng hạn như một thương gia hoặc một chính trị gia gì đó, sau một ngày hoạt động, bỗng muốn chuyển sang làm thơ và coi việc làm thơ ấy là một cái gì thật là long trọng, thì chẳng lẽ anh lại cứ nhất định phải xem công việc thứ nhất đã tác động quyết định công việc thứ hai hoặc cho rằng công việc thứ hai tất yếu phải là sự “phản ánh có nghiền ngẫm” cái công việc thứ nhất hay sao? Tất nhiên đó chỉ là một thí dụ và có thể coi đó là một thí dụ hơi… kỳ cục! Vậy mà tôi lại có cảm giác tương tự - xin anh hiểu cho: đây chỉ là thí dụ - khi tôi thấy rất nhiều nhà lý luận của chúng ta đã nói tràng giang về mối quan hệ giữa phản ánh luận với sáng tác nghệ thuật cũng chẳng khác gì chuyện đó là bao! Nghĩa là đã đặt giữa hai ngành hoạt động rất khác xa nhau về bản chất, về cung cách tư duy, cảm nhận… bằng một mối quan hệ trực tiếp, nguyên xi và sống sượng, rồi gọi đó là “vận dụng” và sau đó hễ thấy ai nói khác đi thì liền kêu toáng lên rằng người ta đã “phủ nhận nguyên lý” hoặc “xuyên tạc khái niệm”! Có phải sự thật là bảo vệ những nguyên lý hay không hay chỉ là bảo vệ những bộ xương mà thôi?

Tôi nhận thấy rằng những ý kiến của Trần Ðình Sử phản bác Lê Ngọc Trà về vấn đề phản ánh luận, mặc dù vượt lên được những gắn ghép chính trị một cách thực dụng, phi văn học, nhưng xét đến cùng vẫn chưa thoát ra được nhược điểm của một cung cách tư duy đã đè lên đời sống lý luận nước ta suốt một thời gian dài, nay vẫn chưa có cơ may để giảm bớt. Ðọc những bài báo của Trần Ðình Sử rồi nhìn rộng ra sự phản bác dai dẳng đối với cuốn sách (đúng hơn: một số bài viết) của Lê Ngọc Trà, tôi bỗng nhận thấy hết sức nặng của một thói quen tư tưởng không thuận lợi lắm cho việc phát khởi những ý hướng mở đường một cách bình thường và lành mạnh. Khi nhận ra điều đó, tôi cũng nhận ra thêm một điều khác nữa (có lẽ chẳng có gì sâu sắc lắm): những người như Lê Ngọc Trà (8) cần phải kiên nhẫn hơn nữa trong sự tìm kiếm của mình - kỹ lưỡng hơn và chặt chẽ hơn nhiều.

25.8.1992

L.P

 

Cửa Việt - Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị, số 17 tháng 10.1992.

___________________________

(1) Lữ Phương: “Về tính đặc trưng của văn nghệ”, Văn nghệ 24, 13.6.1992.

(2) Trần Ðình Sử: “Văn học có nhiệm vụ phản ánh hiện thực không”, Văn nghệ quân đội, tháng 4/1992 và “Bàn thêm về vấn đề đổi mới lý luận văn học”, Văn nghệ 29, 18.7.1992.

(3) Lê Ngọc Trà: Lý luận và văn học, NXB Trẻ, TP. HCM, 1990.

(4) Như trên, tr. 36.

(5) Bùi Việt Thắng: “Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực”, Văn nghệ 26, 27.6.1992.

(6) Tất cả những gì mà Lênin trình bày trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán rút lại chỉ là vấn đề nguồn gốc của nhận thức: vật chất hay tinh thần, cái nào có trước. Cái mà người ta thường gọi là vận dụng Lênin vào văn học; hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan thật ra chỉ là cảm giác, cái bản sao, bản chụp, bản rập của cái thế giới ngoài con người, là một công thức triết học, chẳng có gì liên hệ đến văn học. Những gì mà Lênin ghi chú trong Bút ký triết học nhân đọc sách, tuy có một số điểm đi vào chi tiết hơn, nhưng thực sự vẫn chỉ là sự bổ sung cho thuyết về “bản sao” nói trên. Những bài của Lênin viết về Tônxtôi (đặc biệt bài “Lép Tônxtôi, tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”) đúng như Lê Ngọc Trà nhận xét, là hoàn toàn đứng trên quan điểm phản ánh luận triết học để nhìn thấy những điều mà bản thân tác giả không ý thức được. Khi có dịp tôi sẽ trình bày đầy đủ lý luận phản ánh của Lênin và so với học thuyết praxis của Mác.

(7) “Ðối với con mắt, thì đối tượng không phải là một đối với tai và đối tượng của mắt thì khác với đối tượng của tai. Ðặc điểm sức mạnh của bất kỳ con người nào cũng chính là cái bản chất riêng của họ, vì vậy cũng là cái cách thức riêng của việc khách quan hóa của họ, tức là cách thức riêng của cái thực thể sinh động của họ, thực thể khách quan thực tế” (C. Mác: Những bản thảo kinh tế và triết học, trong C. Mác và Ănghen: Về văn học và nghệ thuật, Sự thật, Hà Nội, 1958, tr. 76).

(8) Có khá nhiều tác giả đang đi theo chiều hướng này. Trong phạm vi đề tài đang thảo luận, tôi xin giới thiệu hai bài viết tham khảo rất đáng chú ý sau đây:

- Nguyễn Trung Hiếu: “Từ đặc thù văn học nhìn lại vị trí của phản ánh luận và thế giới quan”, Tạp chí văn học, tháng 4.1989.

- Trương Ðăng Dung: “Về đặc trưng của phán ánh nghệ thuật trong mỹ học Ch Côtoen và G. Lucát”, trong Văn học và hiện thực. Nhiều tác giả. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1990.

 

23-2-10