TƯỞNG NHỚ MỘT NGƯÒI ANH EM
(và một số bài tranh luận)

Lữ Phương


 

10.  Nói Thêm Về Tiến Trình “Chuyển Hoá Dân Chủ

 

 

Cám ơn anh N.T (1) đã quan tâm đến cuộc nói chuyện giữa Đoàn Giao Thuỷ và tôi (2) và nêu ra một số câu hỏi “cho tương lai”. Tham khảo ý kiến anh Thuỷ, tôi thấy những câu hỏi ấy có vẻ “hóc búa” lắm chứ không đơn giản chút nào. Vì thế, những dòng sau đây chủ yếu là để đáp lại thạnh tình của anh nhiều hơn là đưa ra những câu trả lời mang tham vọng thuyết phục: tôi hiểu rất rõ tính chất khó khăn, phức tạp của những vấn đề đặt ra và nghĩ rằng trước sau những ý kiến của mình vẫn chỉ là những đề xuất gợi ý thôi. Và cũng xin được tiếp tục cái sự “bị lý luận” một chút – chỗ này thì xin lỗi anh Nguyễn Lê (3) – không thể khác được, vì lẽ bản thân câu chuyện là một vấn đề lý luận.

 

***

 

Để mở đầu, tôi xin phép nhắc lại một số ý đã trình bày trong cuộc nói chuyện với anh Đoàn Giao Thuỷ (tôi cũng đã trình bày trong nhiều bài viết khác) qua sự tóm tắt có tính chất phương pháp tiếp cận vấn đề, phương pháp này cho rằng khái niệm gọi là “xã hội chủ nghĩa”, “cách mạng vô sản”… mà những nhà lý luận “Mác-Lênin” thường đem ra giảng giải chỉ là một “ý thức hệ”, không trùng khớp, không phản ảnh đúng (che dấu, biện minh, mong ước, lý tưởng hoá) thực chất cái chế độ xã hội mà họ bảo vệ. Căn cứ vào những gì diễn ra trong thực tế mà xét thì thực chất ấy không phải cái gì khác hơn là một hình thái tổ chức nhà nước của những quốc gia “chậm tiến” (mượn một khái niệm hay dùng ở thế kỷ trước) muốn tự mình tìm ra con đường phát triển nhanh nhất để thực hiện công cuộc hiện đại hoá xã hội, bắt kịp những nước phát triển, tạo ra được sức mạnh chống lại sự bóc lột và nô dịch của những thế lực tư bản quốc tế đang bành trướng bằng chính sách đế quốc chủ nghĩa.

 

Tính chất lịch sử của hình thái hiện đại hoá trên đây là rất rõ rệt: ra đời trong điều kiện chủ nghĩa tư bản mà chúng ta đề cập là thứ chủ nghĩa tư bản sơ kỳ, kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất của giai cấp tư sản, lấy bóc lột vô độ và cạnh tranh sống chết làm biện pháp sinh tồn và bành trướng ra bên ngoài. Đối với những nước chậm phát triển, thứ chủ nghĩa tư bản ấy được xem là đồng hoá với chủ nghĩa thực dân và đế quốc cho nên mô hình toàn trị mệnh danh xã hội chủ nghĩa đã phản ứng chống lại cái trật tự tư bản-đế quốc cấu kết với nhau đó, bằng cách nhân danh một mô hình xây dựng ngược lại: biến chủ nghĩa tư bản tư nhân thành chủ nghĩa tư bản nhà nước, chủ nghĩa tự do cá nhân cực đoan thành chủ nghĩa tập thể toàn trị, chủ nghĩa đế quốc của những nước giàu thành liên minh chiến đấu của những nước nghèo… Tất cả những thuộc tính trên đây đã khởi đầu từ lý luận của Lenin trong cách mạng 1917, phát triển thành “phe xã hội chủ nghĩa” gần một thế kỷ, phân chia thế giới thành hai mô hình phát triển đối nghịch.

 

Dù mang những sắc thái lịch sử đặc biệt đó, mô hình ấy vẫn nằm trong xu thế hiện đại hoá của thế giới (bắt đầu từ thế kỷ 16) bột phá vào thế kỷ 18, 19 ở châu Âu với những nội dung ngang nhau: công nghiệp hoá kinh tế đi kèm với dân chủ hoá xã hội. Về tổng thể thì như vậy, nhưng trong diễn tiến của quá trình, nội dung hai vấn đề đó ít khi nào giải quyết được một cách đồng bộ, song hành; càng phức tạp hơn, trong khi nội dung của công nghiệp hoá chỉ được bàn cãi về mặt kỹ thuật thì vấn đề dân chủ hoá vẫn thường được tranh luận theo tinh thần ý thức hệ, gây rất nhiều bất đồng, không những trong định nghĩa mà quan trọng hơn là áp dụng vào những điều kiện cụ thể của những xã hội khác nhau. Chúng ta thấy những khác biệt ấy đã diễn ra trên cái nền chung sau đây:

 

·     Trong chế độ dân chủ, nhà nước lãnh đạo là do đa số các thành viên của xã hội tạo ra theo nguyên tắc thế tục do đó mọi nhân danh nhà nước thiên mệnh, thần quyền, dòng họ, tập đoàn, cá nhân để thống trị xã hội là phản dân chủ. Từ quan niệm này, tất cả mọi tôn giáo phải từ bỏ vị trí nhập thân vào nhà nước đề trở về sinh hoạt trong xã hội.

·     Từ mối quan hệ nhà nước /xã hội trên đây chúng ta có thể (nương theo Antonio Gramsci) căn cứ vào mức độ làm chủ của xã hội với nhà nước mà xác định tính chất dân chủ hay không của một chế độ: xã hội nuốt chửng nhà nước (vô chính phủ), nhà nước nuốt chửng xã hội (toàn trị), nhà nước chi phối xã hội (chuyên chế), nhà nước và xã hội bình đẳng tác động lẫn nhau với những mức độ khác nhau (dân chủ ở nhiều mức độ).

·     Trong xã hội hiện đại, dân chủ không tồn tại tự thân mà bao giờ cũng gắn liền với những mục đích do những khu vực xã hội khác nhau nhắm tới, vì thế đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về dân chủ: dân chủ phục vụ chủ nghĩa tự do cá nhân, dân chủ dành cho những từng lớp, giai cấp đặc quyền, dân chủ là quyền làm chủ tập thể của nhân dân, của toàn xã hội v.v…

 

Ra đời trong điều kiện lịch sử như đã nói, mô hình mệnh danh “xã hội chủ nghĩa” khởi đầu từ Cách mạng 1917 đã tạo ra những kết quả xây dựng có ý nghĩa trong điều kiện lịch sử ấy. Về công nghiệp hoá thì chỉ Liên xô mới thành công, nhưng cũng chỉ dừng lại ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, không bước qua được những cuộc cách mạng tiếp theo, do lẽ thiếu hẳn một định chế quản lý xã hội năng động để tự điều chỉnh, thích ứng và mở ra những viễn cảnh phát triển mới. Quan niệm dân chủ tập thể (liên minh những người lao động) uỷ nhiệm cho cơ chế đảng-nhà nước thực hiện, một mặt, cho phép cơ quan đầu não ấy sử dụng toàn bộ quyền lực để lãnh đạo và tổ chức xây dựng xã hội mới, đã tạo được sức mạnh biến Liên xô thành cường quốc công nghiệp nặng và quân sự rất nhanh, thì một mặt khác, do chủ trương này kéo dài bằng biện pháp toàn trị khắc nghiệt, bóc lột tàn tệ, gây bất mãn trong nhân dân, tạo hoảng sợ trong nội bộ đưa mô hình vào bế tắc, nên khi đối diện với chủ nghĩa tư bản phương Tây, mượn ở đây một số phương án cải cách về kinh tế lẫn chính trị đã đẩy mô hình đến chỗ sụp đổ.

 

Nhìn chung lại, đây là mô hình có bản chất phát triển. Chính sự thôi thúc phát triển nội tại đó đã một thời động viên được sức mạnh của xã hội để công nghiệp hoá, nhưng do sử dụng một lối quản lý chuyên chế cực quyền (được những nhà lý luận Việt Nam gọi là “quan liêu, bao cấp”), xem thường đời sống dân sự, nên đã huỷ diệt ý thức công dân, gây ra thờ ơ, trì trệ. Sự mâu thuẫn cốt tử ở đây là mâu thuẫn giữa mục tiêu và biện pháp, giữa phát triển và định chế phát triển. Xã hội công dân và đời sống dân sự bị đẩy vào tư thế hoàn toàn bất hợp pháp. Sự kiểm soát tuyệt đối cuộc sống cá nhân đã làm con người trở thành cái đinh ốc trong guồng máy quan liêu, triệt tiêu sáng kiến. Tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội đều bị nhất thể hoá, gom vào một khối quản lý nặng nề. Sự kéo dài vô hạn của tình trạng đó đã biến đất nước thành tài sản của đảng-nhà nước chuyền cho nhau hết thế hệ này sang thế hệ khác. Pháp luật đã bị biến thành bình phong che dấu những hành vi thao túng đã sắp đặt sẵn từ bên trong. Ý thức hệ “Mác-Lênin” đã được sử dụng như công cụ huyễn hoặc. Công cuộc hiện đại hoá của mô hình xô viết nếu thành tựu được một phần trong công nghiệp hoá thì về mặt dân chủ đã thất bại hoàn toàn.

 

Mô hình ấy không phải là một hình mẫu có thể trở thành phổ biến. Trừ Liên xô, tất cả những nước đi theo đều không có kết quả. Tiêu biểu nhất là trường hợp Trung quốc thời Mao Trạch Đông với những “công xã nhân dân” và những “lò luyện thép gia đình” của ông ta. Đất nước chìm sâu vào nghèo đói, chết chóc, hỗn loạn, bất đồng bè phái căng thẳng đưa tới những cuộc thanh trừng kinh khủng. Việt Nam một thời theo mô hình đó cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhưng do còn bận lao vào cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, một phần cũng do tính khí Việt Nam có vẻ mềm hơn “bầu bạn” nên cường độ của hỗn loạn và thanh toán trong guồng máy ít ghê gớm hơn. Khi hoà bình lập lại, sau một thời gian tiếp tục theo đuổi con đường cũ gây cho đất nước nhiều tổn thất, đụng phải sự sụp đổ của bức tường Berlin kéo theo sự tan rã của hệ thống, Đảng Cộng sản đã từng bước thực hiện những cải cách chuyển quá trình hiện đại hoá theo một con đường khác trước.

 

***

 

Là một sản phẩm của lịch sử, mô hình “xã hội chủ nghĩa” toàn trị cũng đã trở thành lịch sử. Chủ nghĩa tư bản vẫn còn chứa những mâu thuẫn nhưng cũng đã giải quyết xong nhiều bất ổn của giai đoạn tích luỹ ban đầu, không phải lúc nào cũng cấu kết với chủ nghĩa đế quốc để bành trướng tràn lan như trong thế kỷ trước. Chủ nghĩa xã hội vẫn không ngớt ám ảnh tâm tưởng những ai muốn tìm kiếm một hình thái xã hội thay thế trong tương lai theo nhiều viễn cảnh (mácxít và phi mácxít), nhưng tất cả đều vẫn còn nằm trong tư duy của những triết gia. Trong thực tế, cái hình thái hiện đại hoá chứng tỏ được sự hiệu nghiệm của nó trong công nghiệp hoá và dân chủ hoá vẫn không tìm thấy nơi nào khác ngoài mô hình thị trường tư bản cạnh tranh mà những nước nghèo muốn phát triển hiện nay đều theo. Dù đầy bất toàn và không đáp ứng lý tưởng công bằng xã hội của nhiều người nhưng đó vẫn là một thực tế không thể nào không chấp nhận trừ khi người ta nhất định theo gương của Bắc Triều Tiên và Cuba không màng đến phát triển.

 

Nhiều người cộng sản kỳ cựu từng dính líu nhiều đến mô hình cũ cũng đã nhận ra sự tất yếu ấy. Những gì đang diễn ra ở Việt Nam đã chứng tỏ điều đó: từ những dục dặc đóng mở khó khăn dưới nhiều danh nghĩa nửa vời (kiểu “thị trường xã hội chủ nghĩa”…) nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang đi vào quỹ đạo của một thứ chủ nghĩa tư bản tư nhân cạnh tranh thật rõ rệt. Những tiến bộ của tăng trưởng kinh tế kèm theo cái không khí thoải mái trong làm ăn, đi lại, sinh hoạt xã hội cũng rất dễ nhận thấy. Đời sống văn hoá tư tưởng vẫn bị kiểm soát nhưng cũng không khắc nghiệt như trước. Ngay trong lĩnh vực ý thức hệ, những nhà tư tưởng của Đảng cũng đã phải thay đổi. “Chủ nghĩa Mác-Lênin” chỉ được coi như một thứ “nền tảng” trên đó bày biện đủ thứ linh tinh chứ không còn được xem là “duy nhất”, “thống trị”. Tuy vẫn bị ép buộc giảng giải ở các trường học, nhưng tính chất linh thiêng của nó cũng đã không còn nữa. Trong lý luận gọi là “tìm đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, chưa dám noi theo Trung quốc chấp nhận “đa đảng” (gọi là “hợp tác”, “không đối lập”) hoặc thừa nhận trào lưu dân chủ xã hội, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ nói đến “chủ nghĩa xã hội” như một thứ “định hướng” về đạo đức mù mịt, chẳng có gì cụ thể, tất yếu.

 

Nhìn vào Việt Nam (và Trung quốc) chúng ta có thể khẳng định rằng phương thức hiện đại hoá tư bản chủ nghĩa dưới một hình thái quá độ nào đó đã được xác lập . Mô hình mới này thật ra đã có tiền lệ trong lịch sử. Đó là mô hình kinh tế thị trường được quản lý bởi một nhà nước chuyên chế (không toàn trị), từng xuất hiện ở thế giới bên ngoài khối xô viết trong những năm 60 của thế kỷ trước (như anh Nguyễn Lê đã có lý ) với đặc điểm quan trọng sau đây: tuy vẫn bị hệ thống quyền lực bên trên khống chế, thao túng nhưng do chấp nhận thị trường như điều kiện để phát triển nên hệ thống quyền lực ấy cũng phải chấp nhận một thực tại mà nó không thể kiểm soát được hoàn toàn: đó là sự tồn tại của cái mà chúng ta gọi là “xã hội công dân” với những thuộc tính tự do dân sự không thể thiếu được cho bản thân phát triển kinh tế.

 

Tôi cho rằng nếu quan tâm thực sự đến sự phục sinh của thực thể xã hội này chúng ta sẽ nhận ra tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam đã là thực tế, nếu người dân biết nương theo đó làm cho xã hội công dân đó có sức sống nhiều hơn, toàn diện hơn thì tiến trình dân chủ hoá sẽ có những bước phát triển cao hơn.

 

Trong mối quan hệ với nhà nước hiện nay, tôi nghĩ đã đến thời người dân không còn phải ngước lên trông chờ những nhân nhượng từ bên trên mà phải coi đó như cái đà đã đạt được trong tranh đấu để buộc nhà nước phải tiếp tục nhân nhượng, qua đó hạn chế ở mức độ cao hơn những hành vi lộng quyền và lạm quyền cố hữu của guồng máy quan liêu chuyên chính, buộc guồng máy đó phải tôn trọng nội dung phổ quát của những thứ pháp lý đã chấp nhận trên danh nghĩa nhưng lại tìm mọi cách từ chối thực hành bằng những “quy định” trái ngược. Và quan trọng hơn nữa, tiến thêm một bước tích cực trong việc tác động vào những cơ quan công quyền, dân cử, buộc chúng phải trở thành guồng máy phục vụ công ích. Theo tôi, xã hội công dân, đó chính là môi trường ươm mầm (văn hoá, giáo dục, từ thiện, hội đoàn, kinh doanh, thông tin, giao lưu, hội nhập…) mà cũng là bàn đạp cho cuộc đấu tranh chinh phục dân chủ, có lợi cho phát triển và cho cuộc sống của nhân dân.

 

Về cơ cấu quyền lực hiện nay, vấn đề không đơn giản: tuy đã biến chất nhưng vẫn chuyên chính với những thủ đoạn thô bạo quen thuộc thừa hưởng từ chế độ toàn trị trước đây. Nó vẫn chưa dám công khai từ bỏ tính chính đáng cũ đã bị hoen ố quá nhiều để tìm cho mình một tính chính đáng mới phù hợp với những gì đang thực hiện. Sự cưỡng chế nhà nước cần thiết để tạo sức mạnh điều hành xã hội vẫn chưa được cải biến dựa trên tính chính đáng có cơ sở pháp quyền do nhân dân uỷ nhiệm, vì thế xét về mặt văn hoá và tinh thần vẫn là một hình ảnh phản diện, tạo ra những phản ứng tiêu cực đồng tính chất trong xã hội: oán hận, hằn học, cay cú, lươn lẹo đối phó, qua mặt, phủ định hư vô chủ nghĩa... Vì thế không phải là thiếu cơ sở khi cho rằng trong khi từ bỏ mô hình stalinít chế độ chính trị hiện nay vẫn mang theo nhiều thuộc tính cũ làm cho thứ chủ nghĩa tư bản vừa chuyển sang tăng thêm sự man rợ vốn có. Tình trạng tham nhũng đi kèm với bất công và tội ác xã hội, tàn phá môi trường … tràn lan dữ dội chưa từng có là bằng chứng không cần nói thêm.

 

Cuộc vận động dân chủ hoá hiện nay không thể đặt ra bên ngoài cái không khí văn hoá hỗn loạn đó trên đất nước. Nếu đã chủ trương coi đó là một cuộc vận động hoà bình, bất bạo động thì tất cả những mưu toan phục hận, trả thù nhân danh quá khứ đưa đến những hành vi manh động, hư vô chủ nghĩa sẽ không mang đến hậu quả nào khác là làm cho cường độ man rợ hiện tại tăng thêm. Sự tương tác giữa cái xã hội công dân đang được phục sinh với cái cơ cấu quyền lực cũng đã biến thể vì vậy không thể là một cuộc đối đầu máu lửa mà phải là một cuộc cọ xát và đối thoại, tạo sức ép nhiểu chiều đưa tới những thay đổi cho cả đôi bên, dựa trên những giá trị đồng thuận có lợi cho quá trình hiện đại hoá đồng bộ: phát triển trong dân chủ và tự do. Thiết tưởng cái mà có người gọi là “thời cơ vàng” để đất nước đi vào hiện đại không thể đơn thuần đo bằng chỉ tiêu thu nhập trên đầu người, bằng sự khẳng định vị thế hội nhập của mình với thế giới mà phải là một cuộc chuyển đổi về phát triển mang bản chất văn hoá: gắn liền tăng trưởng kinh tế với sự lớn mạnh của một nền văn hoá dân chủ đích thực.

 

Những khó khăn là không tránh khỏi. Đọc qua một số bài nghiên cứu gần đây, đặc biệt của những học giả thất vọng với viễn cảnh dân chủ hoá do phương Tây xướng xuất một cách đắc thắng sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, tôi thấy có nhiều ý kiến rất đáng chú ý. Chẳng hạn cho rằng chủ nghĩa tư bản kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng tạo ra bất bình đẳng bất lợi cho dân chủ hoá. Còn giai cấp trung lưu tư sản một thời được coi là cơ sở xã hội của động lực dân chủ hoá thì khi xuất hiện rồi lại bằng lòng hợp tác với các chế độ chuyên chế để chia chác lợi ích và các chế độ này cũng đã lợi dụng điều đó để từ chối những canh tân dân chủ v.v… Những nhận định ấy đều thực tế, có thể thấy được ở Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ tất cả cũng chỉ đúng khi chúng ta coi dân chủ như một định chế đã hoàn chỉnh với hàng loạt những cơ cấu thường thấy trong những xã hội đã phát triển cao: xã hội công dân mạnh dẫn tới hệ thống đa đảng thay nhau cầm quyền trong ổn định, văn hoá dân chủ đã bắt rễ trong các tầng lớp xã hội, chế độ pháp trị hình thành vững chắc, quyền lực trong phạm vi nhà nước được đặt trên nguyên tắc “kiểm soát và cân bằng” để tránh lộng quyền và lạm quyền v.v…

 

Tôi cho rằng với những nước vừa thoát khỏi chế độ toàn trị hoặc vẫn còn bị tàn dư của chế độ toàn trị đè nặng mà đem cái viễn cảnh hoàn chỉnh ấy ra vận dụng là không thích hợp lắm: nó giả định rằng chế độ hiện tồn vẫn còn là “cộng sản” theo kiểu stalinít 100% chưa có gì thay đổi, cần phải “giải thể” và khi “giải thể” rồi thì có thể đem ngay cái mô hình dân chủ hoàn chỉnh đa đảng nói trên ra áp dụng. Thực tế Việt Nam cho chúng ta biết những giả định ấy vừa phi thực, vừa cực đoan, nguy hiểm. Những giả định ấy đã không tính đến những di sản hận thù chia rẽ nặng nề từ quá khứ để lại, cũng không màng tới cái đà chuyển động của xã hội Việt Nam hiện nay (kể cả hiện tượng giai cấp trung lưu phải có thời gian để trở thành “giai cấp cho nó”), và trước những thực tế ấy thì vấn đề dân chủ chưa thể đặt ra với tư cách là một định chế mà chỉ như một tiến trình chuyển hoá cái cơ chế hiện hữu, kết quả không đo được bằng tiêu chí nào khác hơn là cái mức độ cụ thể về sự làm chủ của cái xã hội bị trị đang trong quá trình thay đổi đối với cái cơ cấu quyền lực cũng đang trong quá trình thay đổi. Cách nhìn ấy dựa trên sự chuyển biến tiệm tiến của cả một hình thái xã hội, qua sự chuyển biến đó lưu giữ những yếu tố đạt được như những cột mốc để tiến tới giành những kết quả cao hơn. Cách nhìn ấy cũng xuất phát từ một vị thế muốn chủ động đi đến một thứ tương lai được loại trừ khỏi những hứa hẹn mị dân của những nhà hoạt động chính trị thích phiêu lưu, một tương lai tiếp nối từ những kết quá thiết thực có được trong cuộc đấu tranh hôm nay chứ không phải là một cái ngày mai đầy ảo tưởng vọng về từ một quá khứ xa lắc lơ.

 

Anh Đoàn Giao Thuỷ thân mến,

 

Do sự khích lệ của anh, nhân những câu hỏi của anh N.T và ý kiến của anh Nguyễn Lê, tôi viết những dòng trên đây để tiếp tục cái đề tài mà chúng ta đã nói chuyện với nhau lần trước, vẫn chỉ với mong mỏi được xem như những điều cần trao đổi. Với bản thân tôi những ý kiến gợi ra từ vấn đề không loại trừ chỉ là những tư biện đầy thiếu sót, nhưng với bản thân vấn đề, tôi nghĩ, trong tình thế hiện nay của đất nước, nó đã trở thành chuyện lớn lắm rồi, sớm hay muộn cũng sẽ lôi tất cả chúng ta vào đó, hoặc như là một cạm bẫy, hoặc như là một lối ra. Tôi trông đợi sự lên tiếng của anh và của nhiều anh em khác.

 

Thân ái

Sài Gòn 9-8-2007

Lữ Phương

 

Diễn Đàn 9-8-2007

_________________________________

 

(1) Diễn Đàn 30-7-2007

(2) Diễn Đàn 28-7-2007

(3) Diễn Đàn 1-8-2007

 

 Trở lại Trang Lữ Phương

2-9-08