TƯỞNG NHỚ MỘT NGƯÒI ANH EM
(và một số bài tranh luận)

Lữ Phương


 

4. “Kinh Tế Thị Trường
Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”

 

trả lời THƯ NHÀ  (số 28  – cuối năm 2005)

 

TN: Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội 10, mấy chữ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được Đảng cộng sản Việt Nam coi là căn cứ lý luận để đưa đất nước “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, anh có nhận xét gì về khái niệm này?

LP: Tôi thấy tổ hợp từ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” có ba khái niệm hợp thành với ba ý nghĩa khác nhau và quan trọng như nhau: “kinh tế thị trường”, “định hướng” và “xã hội chủ nghĩa”. Nội dung mấy chữ “kinh tế thị trường” là gì thì ai cũng biết, không cần phải bàn nhiều. Chữ “định hướng” sẽ đề cập sau. Còn về mấy chữ “xã hội chủ nghĩa” thì tôi xin được nói ngay rằng đó là một cái bẫy. Nếu ta lao vào phản bác thì sẽ không tránh khỏi bị gán cho cái tội hoặc “sùng bái tư bản”, “cơ hội” hoặc “thù địch”, còn nếu theo Đảng tán tụng thì sẽ bị hố to!

Tìm hiểu tận nguồn cội của nó, tôi thấy mấy chữ “chủ nghĩa xã hội”, được Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng từ bấy lâu nay, chẳng có dính dáng đến bất cứ học thuyết xã hội chủ nghĩa đích thực nào cả, dù đó là xã hội chủ nghĩa phật giáo hay công giáo, dân chủ xã hội (social-democracy) hay chủ nghĩa xã hội dân chủ (democratic socialism)… Riêng đối với Marx mà những nhà lý luận cộng sản Việt Nam tôn là sư phụ thì lại càng tệ hại hơn: tất cả những gì mà Đảng cộng sản Việt Nam đem ra thực hiện đều đi ngược lại hoàn toàn.

TN: Xin anh nói rõ hơn một chút về điểm này…

LP: Tôi đã trình bày chi tiết ở chỗ khác rồi. Ở đây chỉ cần nhắc lại một ý quan trọng: mô hình xã hội chủ nghĩa của Marx là không tưởng, trong mô hình này, chế độ tư hữu đã bị xoá bỏ nên tất cả tư liệu sản xuất đã trở thành tài sản của xã hội (xã hội hoá), hoạt động trong một nền kinh tế không còn thị trường, không còn hàng hoá, trong một thể chế chính trị đã do giai cấp vô sản chiếm đại đa số dân cư (vô sản hoá) làm chủ hoàn toàn bằng một nhà nước kiều mới do mình trực tiếp tạo ra. Nhưng trong chủ nghĩa xã hội hiện thực thì tất cả đều khác hẳn: chủ nghĩa tư bản vẫn còn tồn tại nhưng lại là một thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước độc quyền phi thị trường, phi hàng hoá mà Lenin đã mượn từ sự suy lý tư biện của Engels, căn cứ vào đó, dùng sự cưỡng bức của một nhà nước do một thiểu số nắm giữ để tạo ra trong một thời gian ngắn cái gọi là “phòng chờ” với một “cơ sở vật chất” hùng mạnh và dồi dào mà chỉ bằng một cú hích cuối cùng, người ta có thể làm cho cái xã hội tương lai của Marx xuất hiện.

Với cách thức đi lên như vậy, chúng ta thấy tính chất không tưởng trong mô hình chủ nghĩa xã hội mácxít ở đây đã được nhân lên nhiều lần: một mô hình chủ nghĩa xã hội tư biện được thực hiện bằng một mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước cũng tư biện không kém.  Kết quả là đã tạo ra một hình thái kinh tế xã hội ảo hoàn toàn, từ kinh tế đến văn hoá, chính trị … một hình thái xã hội ở đó nội dung mấy chữ “chủ nghĩa xã hội” chỉ tồn tại trong sự tưởng tượng hoang đường của các nhà tư tưởng của Đảng!

TN: Như vậy có phải anh cho rằng mấy chữ “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong các văn kiện của Đảng cũng có thể gọi được là “định hướng ảo”, ảo từ mục tiêu đến phương tiện tiến lên? Nếu vậy thì cái gì mới là thật qua những cái mà anh gọi là ảo đó?

LP: Hãy lấy mô hình Liên xô làm thí dụ, cái thật ấy là như thế này: sau một thời gian đem thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước phi thị trường phi hàng hoá (không tưởng) ra thực hiện bằng chính sách toàn trị và tạo được một số kết quả về công nghiệp hoá nhưng sau đó đã làm mất hoàn toàn động lực phát triển, làm cho nền sản xuất rơi vào vào trì trệ, nên người ta đã dần dà tìm cách mượn từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cái cơ chế gọi là thị trường để hy vọng đem lại sức sống cho nền kinh tế “quan liêu, bao cấp” nói trên.

Trong những năm 70 của thế kỷ trước ở một số nước Đông Âu, người ta gọi đó là “thị trường xã hội chủ nghĩa” với nội dung: chỉ dùng thị trường như một biện pháp bổ sung cho nền kinh tế kế hoạch do nhà nước chỉ huy. Hiện tượng này cũng xảy ra ở Việt Nam vào những năm từ 1979 đến 1986 nhưng dưới danh nghĩa gọi là “kinh doanh xã hội chủ nghĩa”, chấp nhận cho quy luật cung cầu của thị trường quyết định sản xuất nhưng lại phân biệt “thị trường trong kế hoạch” (gọi là thị trường xã hội chủ nghĩa) với “thị trường ngoài kế hoạch” (gọi là thị trường phi xã hội chủ nghĩa).

Ý nghĩa hàm chứa trong những chuyển động về từ ngữ này là: chuyền nền kinh tế tư bản nhà nước không thị trường sang nền kinh tế tư bản nhà nước có thị trường trong đó cho phép một số ít những cơ sở tư bản tư nhân nhỏ bị xoá bỏ trước đây được hoạt động trở lại.

TN: Thế còn về mấy chữ “định hướng” trong tổ hợp từ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà chúng ta đang nói, thực chất của chúng là gì? Theo chúng tôi biết thì chữ “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được nói đến từ Đại hội 8 (1996), nhưng khái niệm “kinh tế thị trường” thì mới được chính thức chấp nhận từ Đại hội 9 (2001).

LP: Ở Việt Nam, khái niệm “kinh tế thị trường” gần đây được đưa vào kho từ ngữ “xã hội chủ nghĩa” là để những nhà lý luận cộng sản trở về vận dụng mạnh dạn hơn chiến thuật lùi bước gọi là “con đường vòng” mà Lenin đã thể nghiệm vào 1921 với NEP (Chính sách Kinh tế mới); chiến thuật này cho rằng khi chưa tiến thẳng lên được “chủ nghĩa xã hội “ (phi thị trường, phi hàng hoá, công hữu…) thì phải chịu khó đi qua những nấc trung gian mà nấc trung gian ấy không có gì khác hơn là chủ nghĩa tư bản dưới hai hình thức: một là chủ nghĩa tư bản phi thị trường độc quyền nhà nước và hai là chủ nghĩa tư bản thị trường tư nhân trong đó chủ nghĩa tư bản thị trường tư nhân chỉ đóng vai trò rất phụ.

Nếu so với bước lùi đó của Lenin, và cả với chủ trương “thị trường xã hội chủ nghĩa” ở những nước Đông Âu trước khi sụp đổ, chúng ta thấy bước lùi trong chủ trương “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Đảng cộng sản Việt Nam lần này là lớn hơn rất nhiều. Có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế mà Đảng cộng sản Việt Nam mong mỏi xây dựng và mong mỏi được thừa nhận (để hội nhập nền kinh tế thế giới) là một nền kinh tế thị trường chính danh với những chuẩn mực phổ biến: nền kinh tế ấy bao gồm nhiều thành phần (hỗn hợp, trong đó có kinh tế nhà nước) nhưng tất cả đều hoạt động với tư cách là những pháp nhân cạnh tranh, ăn lời lỗ chịu, hoàn toàn không dính dáng gì đến cái mà trước đây gọi là giao nộp theo kế hoạch đã vạch sẵn của nhà nước.

Thực chất đó là sự chuyển động của chủ nghĩa tư bản phi thị trường nhà nước độc quyền (không tưởng) sang chủ nghĩa tư bản thị trường tư nhân cạnh tranh (thực tế), chẳng mang chút hơi hám nào của những trường phái xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện trong lịch sử nhân loại – trừ cái tên gọi. [Để hiều được sự chuyển động nói trên, tôi nghĩ chúng ta cần chú ý đến ba khái niệm sau đây: 1: xã hội hoá (chủ nghĩa xã hội lý thuyết), 2: nhà nước hoá (“chủ nghĩa xã hội” hiện thực) và 3: tư nhân hoá (“chủ nghĩa xã hội” định hướng)].

TN: Với một nền kinh tế muốn trở thành “tư bản chủ nghĩa tư nhân cạnh tranh” như vậy làm sao những nhà lý luận của Đảng vẫn cứ hô hào “tiến lên”? Làm sao có thể hình dung ra nội dung của việc “định hướng” ấy là để “tiến lên”?

LP: Tiến lên ở đây là tiến lên “chủ nghĩa xã hội mácxít”. Nhưng như đã nói, chủ nghĩa xã hội này là một thực thể ảo, một thế giới mĩ miều chỉ có trên mây, đem vào áp dụng chỉ gây ra những điều ngược lại, cho nên muốn tồn tại được trên thực tế thì không thể không từ chín tầng mây lùi về thực tế. Lý do của sự thụt lùi to lớn lần này nguyên nhân là sự sụp đổ vô phương cứu chữa của “phe xã hội chủ nghĩa” với tư cách là một hệ thống. Hệ thống ấy không còn để làm chỗ nương tựa, dựa dẫm thì mục tiêu của những nước còn lại chỉ là cố gắng chống đỡ cho khỏi sụp đổ theo cái hệ thống ấy, chuyện “tiến lên” chỉ nói cho oai thôi!

Theo gương của Lenin, cách hay nhất không có gì khác hơn là phải thoả hiệp, miễn sao đừng mất tất cả, quan trọng nhất là đừng mất chính quyền – hễ còn chính qưyền thì còn có cơ xoay sở, tính toán chứ mất chính quyền thì kể như tiêu luôn. Nhìn vào nội dung mấy chữ “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong bài viết của những nhà lý luận cộng sản – thí dụ như trên website Đảng Cộng sản Việt Nam – chúng ta thấy rất rõ như vậy, trong đó nếu về kinh tế không có gì đáng kể lắm – thí dụ cố gắng duy trì một cách rất khó khăn cái tham vọng làm cho “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể dần dần trở thành nền tảng” – thì việc củng cố cho được sự độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản cùng với cái ý thức hệ của Đảng mệnh danh là “chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” lại trở thành nhiệm vụ sinh tử.

TN: Theo anh, thực chất của khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa” cốt yếu chỉ là chính trị…

LP: Nói cho thật đúng, chỉ mang ý nghĩa thuần tuý quyền lực: làm tư bản chủ nghĩa (một cách thực tế) nhưng vẫn cứ nói đến sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản (một cách mờ mịt) chỉ cốt biện minh cho sự tất yếu (cũng mờ mịt) của Đảng cộng sản đối với quá trình phát triển của Lịch sử. Hãy nhìn vào cái cách mà những nhà lý luận cộng sản nói về “giai đoạn quá độ” tiến lên, chúng ta sẽ thấy ngay điều đó: chỉ riêng “thời kỳ đầu” của giai đoạn quá độ ấy, họ đã bắt chước những nhà lý luận cộng sản Trung quốc cho rằng có thể kéo dài cả trăm năm, còn tính cả giai đoạn thì có thể lên đến hàng mấy thế kỷ có khi cả vạn năm! Thực chất của cái gọi là lý luận về “con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội” như vậy chỉ là thủ đoạn thao tác lý sự, làm cho hệ thống tư duy không tưởng của Marx biến thành “khoa học”, rồi trong cái học thuyết gọi là “khoa học” ấy chỉ giữ lại mấy chữ “chuyên chính vô sản”, coi là điều cốt yếu của chủ nghĩa Marx, từ đó cung cấp lý lẽ để Đảng cộng sản duy trì sự thống trị độc tôn vĩnh viễn của mình với xã hội. 

TN: Anh có thể nói rõ hơn cái ý đã nói ở trên: nếu chủ nghĩa xã hội mácxít là mờ mịt, không tưởng, không thể nào tiến lên được thì cái thực thể chính trị vẫn ấp ủ giấc mộng muốn chuyển “cái ảo” thành “ cái thật” sẽ đi về đâu?

LP: Như những nhà lý luận cộng sản đã nói: cái thực thể ấy chỉ là “quá độ”, nghĩa là chỉ tạm thời. Nhưng nếu đã khẳng định dứt khoát rằng con đường ấy không có tiền đồ để “quá độ” tiến lên thì cái duy nhất còn lại chỉ là con đường “quá độ” trở về chấp nhận một cách triệt để cái hiện thực mà chúng ta đang có và đang sống. Và hiện thực ấy không có gì khác hơn là kinh tế thị trường cùng cái môi trường vận động thích hợp với nó là chế độ dân chủ đa nguyên. Xét về mặt lý luận thì không có lựa chọn nào khác.Trong môi trường xã hội đặt nền trên cơ chế thị trường này, cùng với tất cả những thực thể chính trị và những xu hướng tư tưởng khác, Đảng cộng sản vẫn có thể tồn tại với cái lý tưởng riêng biệt, nhưng chỉ có thể bảo vệ tính chính đáng của mình trước xã hội bằng bằng con đường thách thức dân chủ chứ không thể bằng bất cứ cái gì khác, nhất là những thứ dẫn xuất từ cái gọi là “chuyên chính vô sản” như trước đây. Thứ lý luận chuyên chính này, dù cho có được “sáng tạo”, “cải tiến”, trang trí, bao bọc bởi bất cứ danh tử mĩ miều nào – như ổn định chính trị”, “văn hoá dân tộc”, “công bằng xã hội ”, “dân chủ cơ sở”,“ “của dân, do dân, vì dân”…– thì tất cả cũng đều chỉ là mạo danh, tiếm danh, mị dân, tất cả đều đã bị cuộc sống làm lộ thực chất từ lâu rồi!

TN: Anh có cho rằng trong môi trường dân chủ giả định ấy, khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Đảng cộng sản đưa ra như cương lĩnh hành động có thể mang được nội dung thực tế để biện minh cho sự tồn tại của Đảng hay không?

LP: Tôi thấy có thể được, vì trong thực tế hiện nay vẫn có nhiều đảng chính trị cánh tả xem “chủ nghĩa xã hội” (trong đó có cả thứ chủ nghĩa xã hội lấy nguồn cảm hứng từ Marx) là cương lĩnh của mình. Trước những mâu thuẫn gay gắt (về dân tộc lẫn xã hội) do chủ nghĩa tư bản quốc tế tạo ra hiện nay, “chủ nghĩa xã hội” dưới rất nhiều hình thức vẫn còn là lý tưởng không thể dập tắt của loài người. Hơn nữa cũng là những ngọn cờ tập hợp để các lớp người bị áp bức bảo vệ mình trước những tràn lấn vô độ của lợi nhuận và quyền lực. Không kể đến xu hướng Dân chủ-Xã hội và Chủ nghĩa xã hội dân chủ đã tồn tại từ lâu, hiện nay rất nhiều đảng cộng sản sau khi Đông Âu và Liên xô sụp đổ đang hoạt động theo chiều hướng đó: bằng phương thức dân chủ tác động vào sự phát triển của xã hội. Vấn đề quan trọng đặt ra cho cho những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay là họ có nhận thức ra được chiều hướng ấy để tạo ra một mô hình tư duy mới, từ những cải cách kinh tế đã làm được từng bước chuyển sang cải cách chính trị một cách triệt để hay không.

TN: Nhưng với tư cách là một đảng cầm quyền, liệu những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam có khả năng chấp nhận cuộc chơi mới về lý luận nếu nó đụng chạm trực tiếp đến quyền lực của họ?

LP: Câu hỏi này thật gay gắt, chưa biết trả lời thế nào. Chỉ có điều chắc chắn là thứ lý luận gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà chúng ta đang bàn luận chẳng có gì nghiêm chỉnh cả. Tuy được khoe là “sáng tạo” hoặc gì gì đó, thật sự đó chỉ là một mớ lý lẽ đầu cua tai nheo; đặt nền trên cái học thuyết gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” hoang tưởng, nó không có mục đích nào khác là lén lút vận dụng cho được giáo điều chuyên chính vô sản cổ lỗ để thống trị, kết quả không mang đến cho cuộc sống điều gì ngoài những bất bình, phẫn uất. Những căng thẳng chất chứa từ những hoạt động do “đổi mới” nửa vời tạo ra trong suốt 20 năm qua – áp lực trong quan hệ quốc tế, xã hội công dân độc lập với nhà nước hình thành trở lại, ý thức phản toàn trị đang nẩy sinh trong Đảng, sự xuống cấp nặng nề về nhân cách và văn hoá trong đời sống, môi trường bị phá hoại …– đã đưa đất nước vào những bất ổn rất nguy hiểm, không ai không thấy. Nếu thật sự coi vận mệnh dân tộc cao hơn lợi ích bản vị, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải có đủ bản lĩnh để nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề chứ không thể bám víu mãi vào những thủ đoạn huyễn hoặc tư tưởng, hù doạ, khuấy rối, trấn áp… tầm thường để duy trì sự tồn tại độc tôn của mình. Những thủ đoạn ấy không thể tạo ra được tính chính đáng để ổn định lòng người, đưa đất nước vào con đường phát triển bền vững.

 

Trở lại Trang Lữ Phương

18-8-08