NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG – MỐI GIAO DUYÊN
 
SÂN KHẤU HAI MIỀN NAM – BẮC

Lê Thị Hoài Phương

                                                                                                                                     

 

           Năm nay, giới sân khấu Việt Nam kỷ niệm một sự kiện rất có ý nghĩa: nghệ thuật sân khấu Cải lương tròn 100 năm tuổi (1918 – 2018). 

Trong đại gia đình sân khấu Việt Nam, nghệ thuật Cải lương có một vai trò khá đặc biệt. Về tuổi đời, nghệ thuật Cải lương không có bề dày như Tuồng và Chèo, là hai loại hình sân khấu cũng thuộc dòng sân khấu kịch hát dân tộc như Cải lương. Tuy nhiên, với quá trình hình thành và phát triển đến nay tròn một thế kỷ, Cải lương là loại hình nghệ thuật sân khấu có sức lan toả mạnh mẽ; nó không chỉ được đại đa số người dân ở Nam bộ, mảnh đất đã sản sinh và nuôi dưỡng nó, mê say và gắn bó trong đời sống thường nhật, mà còn nhanh chóng chiếm được tình cảm của đông đảo nhân dân trên mọi miền đất nước ngay sau khi ra đời.

Riêng với thủ đô Hà Nội, Cải lương đã có mặt rất sớm, chẳng bao lâu sau khi nó thành hình ở Nam Bộ, và lập tức được các nghệ sỹ miền Bắc tiếp nhận, nhanh chóng trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu mới ngày càng ăn sâu bám rễ trên đất Hà thành. Và ai có thể ngờ rằng, hơn 20 năm sau, Công ty Sân khấu Kim Chung – công ty mang tên của “Đệ nhất danh ca Bắc Hà” lại làm nên sự nghiệp lớn trên đất Sài thành, không chỉ là sân khấu Cải lương thu hút đông đảo khán giả từ thành thị đến nông thôn ở miền Nam, mà còn là nơi đã phát hiện, đào tạo và làm nên tên tuổi của nhiều ngôi sao Cải lương Nam Bộ.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước cũng như những bước lên xuống của sân khấu dân tộc, nghệ thuật Cải lương đã là chiếc cầu nối, là mối giao duyên sâu đậm giữa các nghệ sỹ Cải lương và công chúng thưởng thức của hai miền Nam - Bắc, và nhìn rộng ra, là sự giao hòa văn hóa của hai miền ở hai đầu đất nước. Vai trò đó, không dễ gì nghệ thuật nào cũng có được.  

Thử lấy nghệ thuật Tuồng (hát Bội) làm ví dụ. Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển dễ đến trên 10 thế kỷ (từ thời Đinh, Lê, thời Lý - Trần), Tuồng được xem là loại hình sân khấu truyền thống lâu đời nhất của chúng ta. Về lịch sử phát triển của nghệ thuật Tuồng cũng như về đặc trưng nghệ thuật Tuồng thì đã có khá nhiều công trình nghiên cứu công phu, tuy nhiên hầu như chưa có nhà nghiên cứu sân khấu nào đi sâu nghiên cứu và hệ thống lại những yếu tố giống và khác nhau giữa các “dòng” Tuồng Bắc, Trung, Nam, mặc dù nhiều người biết rằng giữa ba dòng Tuồng ấy có nhiều điểm tương đồng và dị biệt trong phong cách nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Cho đến hiện nay, sự khác biệt giữa ba dòng Tuồng vẫn được giới chuyên môn, các nghệ sỹ mặc nhiên công nhận, coi đó như những điểm độc đáo riêng của nghệ thuật Tuồng ở từng vùng miền.     

Lại lấy nghệ thuật Chèo để so sánh xem sao. Ai cũng biết rằng nghệ thuật Chèo là “đặc sản” của vùng châu thổ Bắc Bộ (tương tự, nghệ thuật Cải Lương là sản phẩm của vùng sông nước Nam Bộ). Chèo cũng được coi là một loại hình sân khấu truyền thống có lịch sử lâu đời và có nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, xét về tính “phổ biến” của loại hình sân khấu này thì hình như không có được sự hiện diện rộng rãi như Tuồng, càng không thể như Cải lương. Bằng chứng là cho đến nay nghệ thuật Chèo vẫn chỉ sống trên đất Bắc, ở Nam Trung bộ và Nam bộ không có một đoàn Chèo nào, cũng không có diễn viên nào của các vùng miền này lại theo đuổi nghề diễn viên Chèo (loại trừ có thể có nghệ sỹ Chèo vốn gốc gác, quê hương ở các vùng miền này). Chỉ sau khi đất nước thống nhất, một số đoàn Chèo của miền Bắc lưu diễn vào miền trong, thì người dân Nam mới được thưởng thức nghệ thuật Chèo, và cũng chỉ dừng lại ở mức độ “xem cho biết”, còn các đoàn Chèo thì diễn xong lại trở ra Bắc, chứ không có đoàn nào hay nghệ sỹ nào “trụ” lại làm ăn lâu dài ở miền Nam. Thực tế này không phải là “thước đo” để cho rằng vì nghệ thuật Chèo không hay, không hấp dẫn nên không chinh phục được khán giả miền Nam, mà theo tôi, bước đầu có thể giải thích rằng vì nó quá khu biệt, là một thứ sản phẩm nghệ thuật đậm đặc chất văn hoá đồng bằng Bắc Bộ, cho nên thưởng thức nó là một chuyện, còn thực hành nó lại là chuyện khác.

Với Cải lương, tình hình hoàn toàn khác. Chúng ta đều biết rằng quá trình hình thành của Cải lương diễn ra trên đất Nam Bộ, và đến đầu những năm 20 của thế kỷ XX Cải lương đã đạt tới một loại hình nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp với sự mở đầu của gánh hát Thầy Thận ở Sa Đéc, năm 1918, tiếp sau đó là gánh hát thầy Năm Tú (Châu Văn Tú, ở Mỹ Tho). Lần lượt các gánh khác được lập ra một cách mau chóng như : Văn Hí Ban ở Chợ Lớn, Tập Ích Ban ở Thốt Nốt, gánh Nam Đồng Ban với nữ nghệ sĩ Năm Phỉ nổi tiếng, gánh Tái Đồng Ban ở Mỹ Tho với các nghệ sĩ nổi tiếng như Phùng Há, Năm Châu, Ba Du, và còn nhiều gánh khác nữa...

Điều đáng nói là Cải lương lan ra miền Trung và miền Bắc rất nhanh chóng. Có tài liệu cho thấy “Người đầu tiên giới thiệu nghệ thuật Cải lương trên sân khấu Hà nội là ông Nguyễn Văn Súng, tự Sáu Súng. Đúng ra, là một gánh xiệc có chen vào giữa chương trình một vài bài hát cổ nhạc, chưa có tuồng tích rõ ràng. Ít lâu sau mới có hai gánh Phước Hội và Tân Lập Ban từ Nha Trang ra Hà Nội trình diễn tại rạp Quảng Lạc » [1]. Từ 1923 đã có một số nhóm học sinh, sinh viên ở Hà Nội yêu thích nghệ thuật Cải lương tập hợp nhau lại để diễn một số vở như năm 1923, một nhóm sinh viên trường Luật diễn tuồng « Bội phụ quả báo » của Phạm Công Bình tại rạp Philharmonique ; năm 1925, một nhóm sinh viên cao đẳng diễn tuồng « Châu Trần Tiết Nghĩa » của Nguyễn Văn Tệ ; năm 1927 một nhóm phụ nữ ở Hà Nội diễn tuồng « Trang Tử Cổ Bồn » dựa vào tích xưa... Thời kỳ này các gánh Cải lương từ trong Nam vẫn tiếp tục thay nhau ra diễn ở Hà Nội, ví dụ như năm 1927, gánh Nghĩa Hiệp Ban ra Bắc với những tuồng Tàu như « Lã Bố Điêu Thuyền », « Tra Ấn Quách Hòe ». Chính vì thấy các gánh diễn Cải lương thu hút rất đông khán giả mà các chủ rạp Quảng Lạc, Sán Nhiên Đài (vốn là những nơi diễn Tuồng, Chèo) đều đổi sang thành nơi diễn Cải lương .

Từ năm 1935 tới năm 1941 nhiều gánh hát Cải lương được thành lập ở miền Bắc như Nhật Tân Ban, Quốc Hoa, Tố Như, Ái Liên, Đức Huy, Nam Hồng, vv… Nhiều gánh vào Nam biểu diễn và gặt hái được thành công. Ngược lại, một số gánh hát của miền Nam như An Lạc Ban, Phước Cương, Tân Hí Ban, Trần Đắt, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Thanh Tùng, Năm Châu, Kim Thoa ra Bắc biểu diễn cũng được khán giả rất mến mộ...

Bấy nhiêu chi tiết lịch sử đủ cho thấy nghệ thuật Cải lương dù xuất phát từ miền Nam nhưng rất nhanh chóng chinh phục được công chúng miền Bắc, nhất là ở Hà Nội, một công chúng có trình độ, không hề “dễ tính” trong thưởng thức văn học nghệ thuật, đã có Tuồng, Chèo và cả Kịch nói là loại hình sân khấu hoàn toàn mới mẻ, mới được du nhập vào nước ta gần như đồng thời với sự xuất hiện của Cải lương trên đất Bắc. Điều này chứng tỏ nghệ thuật Cải lương có tính “đại chúng”, có khả năng lan tỏa, dễ đi vào lòng người, phù hợp với tâm lý con người Việt Nam, không phân biệt ở vùng miền nào; về mặt nghệ thuật, Cải lương vừa kế thừa được một số yếu tố của Tuồng, Chèo, lại vừa tiếp thu được những yếu tố mới mẻ, hiện đại của nghệ thuật phương Tây là Kịch nói. Có lẽ vì thế Cải lương được đông đảo quần chúng ở cả ba miền đón nhận như một xu hướng nghệ thuật sân khấu mới, ra đời và lan tỏa vào nửa đầu của thế kỷ XX.  

Sự giao hòa của Cải lương không chỉ thể hiện ở khán giả thưởng thức, mà còn ở các nghệ sỹ biểu diễn. Chẳng bao lâu sau khi Cải lương mới tràn ra Bắc, ở đất Hà thành đã có sân khấu Cải lương của mình, với những nghệ sỹ Cải lương của Hà Nội ca hay, diễn giỏi chẳng thua kém gì những đào kép của các gánh hát miền Nam. Một trong những ngôi sao Cải lương miền Bắc nổi tiếng bấy giờ là cố nghệ sỹ Ái Liên (1918 – 1991). Bà không chỉ là nữ ca sĩ tiên phong của tân nhạc mà còn là một nghệ sỹ Cải lương tài sắc đất Bắc nổi tiếng trong thập niên 1930-1940. Năm 1937 bà vào Nam tiếp tục ca hát. Sau vài năm hoạt động nghệ thuật ở đất Nam, năm 1940 bà trở ra Bắc và lập đoàn Ái Liên, dàn dựng các vở Cải lương và đi biểu diễn khắp Đông Dương, gây được tiếng vang lớn… Sau này, bà là một nghệ sỹ hàng đầu của sân khấu Cải lương ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đã từng là Trưởng đoàn Cải lương Bắc (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam). Bà đã được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1997.

Nhưng người được nói đến nhiều hơn cả là nghệ sỹ Kim Chung, bởi sự đóng góp lớn lao của bà và công ty Kim Chung cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung, Cải lương miền Nam nói riêng.

Nghệ sĩ Kim Chung sinh năm 1924, tại Hà Nội. Năm 10 tuổi Kim Chung đã tham gia Ban Đồng Ấu Nhật Tân, chuyên diễn Tuồng Hồ Quảng của ông bầu Tài Quang. Mới 16 tuổi Kim Chung đã là đào chính của đoàn Cải Lương Tố Như, nổi tiếng trên sân khấu đất Bắc, được mệnh danh là “Đệ nhất danh ca Bắc Hà”. Bà kết hôn với ông Trần Viết Long (được gọi là ông Bầu Long, người Hà Nội, sinh năm 1922), một người cũng nổi tiếng là ông bầu giỏi giang của sân khấu thời bấy giờ. Hai vợ chồng bà lập công ty sân khấu mang tên Kim Chung, đi diễn khắp trong Nam ngoài Bắc. Năm 1954, khi Kim Chung mới 21 tuổi, hai vợ chồng bà đưa Đoàn Kim Chung (có mỹ danh là “Tiếng chuông vàng Thủ đô”) vào Nam, hoạt động Cải lương cho đến năm 1975.

Nhiều người ở Sài Gòn thời đó còn nhớ: Sau một thời gian phải đi lưu diễn không ổn định, Đoàn Cải lương Kim Chung đóng quân ở rạp Olympic (nay là số 97 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM). Những danh tài xứ Bắc: Kim Chung, Bích Hợp, Ngọc Toàn, Huỳnh Thái, hề Ba Hội… không chỉ lập tức thu hút được bộ phận công chứng là dân di cư từ Bắc vào, mà còn nhanh chóng chiếm lĩnh tình cảm khán giả khi ấy là cả ba miền, những cư dân nhiều nơi đến lập nghiệp tại Sài Gòn và đã đứng vững trên vùng đất phía Nam, nơi khai sinh nghệ thuật Cải lương. Một khán giả có tên là Nguyen Thi Nga (Email: nganguyen4@hotmail.com) viết: “Đoàn Kim Chung lúc đó sở dĩ có khán giả thì thứ nhứt đúng là dân di cư ủng hộ, vì với dàn nghệ sĩ mà họ quen tên, biết mặt thì dĩ nhiên là họ náo nức muốn xem lại. Thứ hai là ông bầu Long rất khôn, đưa toàn những vở tuồng với cốt truyện nổi tiếng ai cũng gần gủi, ưa thích như Mạnh Lệ Quân, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai... được viết và dàn dựng rất công phu. Hồi đó nhà tôi ở Mỹ Tho, một tỉnh miền Tây, với hầu hết dân chúng là người miền Nam, vậy mà người đi coi cũng chật rạp Vĩnh Lợi mỗi lần có đoàn Kim Chung. Nên biết rằng giá mướn rạp Vĩnh Lợi rất mắc chớ không có rẻ như Viễn Trường. Hồi đó gần như chỉ có Thanh Minh Thanh Nga, Thủ Đô và Kim Chung dám hát tại rạp Vĩnh Lợi…” [2]

Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Kim Chung có rất nhiều vai diễn nổi tiếng, như: Chúc Anh Đài, Điêu Thuyền, Lữ Bố, Mộc Quế Anh, Hoa Mộc Lan, Thúy Kiều... bà và NSND Phùng Há là hai nữ nghệ sĩ chuyên đóng vai kép, sáng lập trường phái nữ đóng vai kép thập niên 1950 – 1960.

Có lẽ đóng góp lớn lao nhất cho sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu Cải Lương nói riêng của cặp vợ chồng “trai tài gái sắc” Trần Viết Long - Kim Chung là đã sáng lập nên công ty sân khấu Kim Chung hoạt động rất hiệu quả. Công ty Kim Chung thời đó có đến 7 đoàn hát, vừa diễn thường trực tại Sài Gòn, vửa đi lưu diễn khắp nơi. Các nghệ sĩ tài danh được xem là “Thế hệ Vàng” của sân khấu Cải lương như: Lệ Thủy, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Mỹ Châu, Diệu Hiền, Thanh Hải, Thanh Nguyệt... đều được đào tạo từ 7 đoàn hát thuộc Công ty Kim Chung. Nhiều người đã gọi Công ty Kim Chung là “bệ phóng” cho nhiều ngôi sao Cải lương “Thế hệ Vàng” ở miền Nam.

Nói như vậy không có nghĩa là các nghệ sỹ Cải lương người miền Bắc không gặp phải khó khăn gì khi “hành nghề” trên đất Nam - mảnh đất sản sinh ra bản Vọng cổ đã ngấm sâu vào máu của người dân Nam Bộ. Theo nhận xét của nhiều người, các nghệ sỹ người miền Bắc khi ca Cải lương, nhất là ca bản Vọng cổ, không thể nào thể hiện được cái âm hưởng du dương, mùi mẫn, cuốn hút hồn người như chất giọng miền Nam được. Hiểu được điều đó, Kim Chung và các nghệ sỹ trong đoàn đã cố gắng tập luyện để ca được Vọng cổ với chất giọng miền Nam, và họ đã thành công.

Ngay cả đến bây giờ vẫn có nhiều người cho rằng Cải lương là nghệ thuật của đất Nam, chỉ có diễn viên người miền Nam mới ca Cải lương hay được.  Sau ngày thống nhất đất nước, đã có nhiều nghệ sỹ Cải lương từ Bắc vào Nam sinh sống và làm nghề, có một số người đã học diễn và ca Cải lương theo giọng Nam đến mức điêu luyện, nên cũng được khán giả mến mộ. Với các nghệ sỹ từ Bắc vào lưu diễn thì phần lớn khán giả miền Nam vẫn chưa dành tình cảm cho họ. Tuy nhiên, sau này nhiều khán giả sân khấu Cải lương miền Nam đã dành sự ưu ái đặc biệt cho ngôi sao Cải lương Thanh Thanh Hiền (vốn là nghệ sỹ của Nhà hát Cải lương Trung ương). Chị được đánh giá là ca Cải lương giọng Bắc và giọng Nam đều hay. Điều thú vị là khán giả miền Nam ngưỡng mộ nữ ca sỹ “tài sắc vẹn toàn” này không đơn giản là vì chị đã ca vọng cổ giọng Nam rất hay cùng các nam ngôi sao Cải lương miền Nam như Thanh Tuấn, Trọng Hữu, mà điều hấp dẫn ở nữ ca sỹ là ở chỗ chị đã biết kết hợp được chất giọng Bắc tự nhiên với cách phát âm của tiếng miền Nam, tạo nên một giọng ca rất riêng, rất đi vào lòng người. Theo đánh giá của giới chuyên môn cũng như khán giả mộ điệu, Thanh Thanh Hiền là danh ca Cải lương miền Bắc ngang tài, ngang sức với các ngôi sao Cải lương miền Nam, xứng đáng là giọng ca vàng của Cải lương Việt Nam những thập niên cuối thế kỷ XX.

Trong những năm gần đây, Cải lương có xu hướng đi xuống, khán giả đến với Cải lương ngày càng thưa vắng, ngay cả tại chiếc nôi đã sinh ra nó. Với sân khấu Cải lương miền Bắc tình hình có vẻ còn khó khăn hơn. Không ít người đã hỏi: Cải lương Hà Nội còn hay không? Nhưng thật bất ngờ đối với nghệ sỹ và công chúng ở cả hai miền Nam - Bắc, Cải lương Hà Nội vẫn sống, vẫn tiếp tục cho ra đời những vở diễn có giá trị nghệ thuật cao. Trong cuộc thi Tài năng đạo diễn sân khấu tại TP.HCM (năm 2007), các đồng nghiệp phía Nam sửng sốt khi xem Cung phi Điểm Bích, Dấu ấn giao thời của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam. Đây cũng là hai vở Cải lương được đánh giá cao nhất cuộc thi.

 Năm 2008, sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng gây xôn xao với vở Lễ mở xiêm áo, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Trần Quang Hùng.

Tại Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 tại TP. Hồ Chí Minh, vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long của Nhà hát Cải lương Việt Nam được Huy chương Vàng. Đặc biệt, đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai còn nhận được giải Đạo diễn xuất sắc.

Tất cả những sự kiện này cho thấy nghệ thuật Cải lương vẫn sống trên đất Hà Nội, các nghệ sỹ miền Bắc vẫn tiếp tục sáng tạo không mệt mỏi cho nghệ thuật Cải lương tiếp tục phát triển .

Tại Liên hoan Sân khấu các vở diễn lịch sử chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, diễn ra tại Hà Nội giữa tháng 8 năm 2010, vở diễn khai mạc Liên hoan là vở Cải lương Dời đô (tác giả: Lê Duy Hạnh, chuyển thể Cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn Giang Mạnh Hà), do Đoàn Nghệ thuật Cải lương Đồng Nai biểu diễn. Vậy là, bằng nghệ thuật Cải lương, các nghệ sỹ sân khấu miền Nam đã tái hiện lại một giai đoạn lịch sử, khi Vua Lý Thái Tổ đã có quyết định sáng suốt dời Đô từ Hoa Lư về thành Đại La, mở ra thời kỳ phát triển mới trên đất Thăng Long…

Gần đây nhất, đã xảy ra một sự kiện có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với sân khấu Cải lương nói riêng, sân khấu Việt Nam nói chung: nhân dịp kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu Cải lương, vở Cải lương “Thầy Ba Đợi” lần đầu tiên được công diễn tại thành phố Hồ Chí Minh vào tối 28 tháng 4. Vở diễn “Thầy Ba Đợi” (kịch bản văn học: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể Cải lương: Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng, đạo diễn:  NSƯT Triệu Trung Kiên và Lê Trung Thảo, chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu) kể lại một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc ta thời vua Hàm Nghi. Nhân vật trung tâm của câu chuyện kịch là thầy Ba Đợi, tên thường gọi là Nhạc quan - Nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người có công lớn đối với quá trình hình thành và phát triển buổi đầu của nghệ thuật Cải lương.

Đây là lần đầu tiên có một vở Cải lương hội tụ hơn 60 nghệ sĩ Cải lương tài danh của hai miền Nam - Bắc, trong đó có những tên tuổi quen thuộc như NSƯT Hùng Minh, NSƯT Thanh Tuấn, NSND Vương Hà, NSƯT Quế Trân, nghệ sĩ Võ Minh Lâm, v.v... Vở diễn cho thấy sự kết hợp rất ăn ý giữa các nghệ sĩ đến từ các đơn vị nghệ thuật khác nhau (Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An), cùng nhau tạo nên những hình tượng nhân vật đẹp đẽ, sâu sắc, gây xúc động cho người xem.

Vở diễn “Thầy Ba Đợi” là một dấu ấn đậm nét, thực sự có ý nghĩa trong năm kỷ niệm tròn một thế kỷ nghệ thuật sân khấu Cải lương ra đời và phát triển.

 Tất cả những gì mà các nghệ sỹ Cải lương trên cả hai miền Nam - Bắc đang miệt mài sáng tạo, cùng nhau tiếp tục “giữ lửa” cho sân khấu dân tộc không ngừng tỏa sáng, càng cho thấy sức sống dẻo dai, sức mạnh lan tỏa của loại hình nghệ thuật sân khấu của đại chúng là Cải lương. Gần một thế kỷ trước đã vậy, và hôm nay vẫn thế, Cải lương là mối giao duyên nghệ thuật của các nghệ sỹ cũng như của đông đảo công chúng khán giả Hà Nội – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Diệu Anh. “ Cải lương và kịch nói trong bối cảnh Nam bộ”. Văn hóa nghệ thuật, số 7, 1998

2. Trần Bảng. Phát huy truyền thống trong nghệ thuật kịch hát dân tộc – phấn đấu cho một nền sân khấu hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viện Nghệ thuật, Bộ Văn hóa. 1972

3. Trần Bảng. “Sân khấu Pháp với nghệ thuật kịch hát dân tộc Việt Nam”. Văn hóa Nghệ thuật, số 11, 1997

4. Hà Văn Cầu. Lịch sử nghệ thuật Chèo. Nxb. Sân khấu. H., 2005

5. Lê Chức. “ Gốc cội miền Nam – Lá cành đất Bắc”. Công trình nghiên cứu khoa học đề tài cấp Bộ về “Sự hình thành và phát triển Cải lương trên đất Bắc thế kỷ XX”. 2004

6. Trương Bỉnh Tòng . Nghệ thuật Cải lương những trang sử. Viện Sân khấu, H., 1997.

7. Ngọc Văn. Nghệ thuật Cải lương trên đất Bắc. Viện sân khấu, H., 2000

8. Nhiều tác giả . Lịch sử sân khấu Việt Nam. Tập 1,2. Viện sân khấu, H., 1984

9. Nhiều tác giả. 50 năm sân khấu Việt Nam sáng tạo và phát triển. Nxb. Sân khấu, 1996.

10. Tuyển tập Tuồng cổ. Nxb. Sân khấu. H., 1997

 

Websites:

- http://cailuongvietnam.com

- http://www.cailuong.org.vn/forum/

- http://tranquanghai.info



[1] Nguồn: Trần Quang Hải  Website -  http://tranquanghai.info

[2] Nguồn: http://www.cailuongvietnam.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=5928 (04/07/2010)

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 17-10-18