Tản mạn

 

Gìn giữ tiếng Việt trong sáng

 

Lê Lành

 

Trấn an dư luận xã hội “ phát điên” vì cách phát âm đánh vần  quái dị trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của phò mã giáo sư tiến sĩ tâm lí học Hồ Ngọc Đại giẫm chân thực nghiệm đằng đẵng hơn ba chục năm, phó thủ tướng Vũ Đức Đam long trọng tuyên bố  “ …chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt, ít nhất trong thời gian tới !?. Dư luận tá hoả, bàng hoàng. cau mày. Tiếng Việt trong thông điệp của ông phó thủ tướng quá ư không trong sáng, không sao hiểu nổi.

 

Từ cổ chí kim, không một thế lực nào, không một ai dám và có thể cải cách tiếng nói cộng đồng, dân tộc. Tiếng nói tự nhiên (native language), tiếng mẹ đẻ (mother tongue) tự sinh thành, hoàn chỉnh, phát triển, làm công cụ giao tiếp, thông tin ngày một đắc lực, một tinh tế theo tư duy tiến triển không ngừng, thông thái hơn.

 

Con người tư duy bằng tiếng nói… thầm, có ý thức, hoặc trong tiềm thức. Tiếng nói vật chất hoá tư duy. Nó vừa là khởi nguồn vừa là kết quả tư duy. Nó không chịu tác động bất kể một tác nhân nào bên ngoài ngôn ngữ.  Ai cũng hiểu tiền tố “bất“ là không: bất thành, bất công, bất hiếu… Nhưng bất thình lình lại là thình lình… Đó là tính võ đoán ngôn ngữ (arbritariness), tự nó thế, chỉ có chấp nhận, không tự ý chỉnh, sửa được mô. Tiếng Anh, tiếng Pháp có cả loạt động từ bất bình thường (irregular verbs), không theo một qui tắc chung nào hết trơn, một số danh từ số ít sang số nhiều lại không thêm s vào cuối từ theo qui tắc chung… người bản ngữ cũng phải học thuộc lòng, hoặc tra cứu.

 

Tiếng nói là nhân tố quyết định đưa con người lên ngôi bá chủ thế giới!

 

Suốt nghìn năm Bắc thuộc khắc nghiệt, ác độc, dân tộc ta không để giặc Tàu xâm lược đồng hoá, chính là nhờ tiếng Việt tư duy mãnh liệt, bất khuất, trong sáng. Lưu Quang Vũ hào sảng: Tiếng chưa mất khi Loa thành đã mất… Tiếng tha thiết lòng trai ôm ngọc sáng  Dẫu cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi

 

Nhưng tiếng nói có mặt trái tày đình: “lời nói gió bay “. Lưu Quang Vũ thi v hóa: “Như nước gió không thể nào nắm bắt “ Con ngươi thông minh, khắc phục  bằng cách tạo tác chữ viết, thị giác hoá tiếng nói, lưu truyền tiếng nói bên ngoài con người, hầu như không giới hạn không gian, thời gian. Khi có chữ viết, văn minh con người phát triển vượt bậc. Chữ viết là phương tiện xử lý thông tin chính xác hơn, bền vững hơn. Chữ viết vừa là điều kiện căn bản cho sự phát triển tổ chức xã hội ngày một phức tạp, trình độ sản xuất  ngày một cao, đồng thời lại là kết quả của chính nền văn hoá ấy.

 

Không đồng hoá được dân tộc ta, giặc Tàu xâm lược xảo quyệt áp văn tự của chúng phiên tiếng ta thành chữ Hán-Việt, hòng cột chặt dân tộc ta trong vòng cương toả Hán học nho giáo hủ lậu.  Nhưng vì những khác biệt căn bản giữa tiếng ta và tiếng Hoa, và chữ Hán nào đã ra gì – nhà Hán hai nghìn năm tuổi, chữ Giáp Cốt đã có từ bốn, năm ngàn năm trước, chỉ kí âm theo chữ Hán chừng 70% tiếng Việt, nhưng vẫn đọc theo âm Việt, ôm gọn nghĩa tiếng Việt – thiên trời địa đất, tử tất tồn còn, tử con tôn cháu, lục sáu tam ba, gia nhà quốc nước… Đúng ra phải gọi là chữ “nho“, viết bằng bút lông, mực đen. Người Hoa đâu đọc được, hiểu được.  Phần còn lại là chữ nôm – bên trái bộ khẩu, bên phải bộ nam,  tiếng nam thuần tuý,  nôm na, dân dã, đối lập với chữ Hán-Việt khoa bảng, thư lại, triều chính.

 

Từ đó, đầu thế kỉ trước, nhà ngôn ngữ học lỗi lạc người Pháp A. G Haudricourt, ngộ nhận 70% tiếng Việt gốc Hán ! ? Tệ hại, một số người ta ngày nay mang danh học giả này nọ lại không tư duy độc lập, phản biện mà nhắm mắt rập khuôn. Mặt khác, chính người Hoa cũng  phải du nhập tiếng Nhật sớm tiếp cận trước văn hoá phương Tây nữa là: kĩ sư, vi trùng, dân chủ, chính sách … Phi công có viết dưới dạng chữ Hán chính hiệu, người Hoa cũng không hiểu là người lái máy bay, truyền hình  ở ta,  bên Tàu gọi là điện thị… Giữa thế kỉ 20, liệt xa - đường sắt, đại táo -  bếp ăn tập thể… từ Tàu vừa du nhập sang, bật bãi liền. Nay, những kẻ cơ hội “bảo vệ sự trong sáng tiếng Việt“ lại viện nhận định sai lầm tai hại ấy để đòi dạy và học chữ Hán.  Lố  bịch, ngu đần hết biết, người ta học và dạy tiếng – tiếng Anh, tiếng Pháp, chứ ai học và dạy chữ Anh, chữ Pháp… bao giờ.  Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã khẳng định: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói.  Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ. Tiếng nước tôi như bùn như lụa. Óng tre ngà mịn mang như tơ. Có điên khùng mới lôi chữ Hán chết tiệt đã bị quăng vào sọt rác hơn trăm năm để dạy tiếng Việt! Từ điển truyện Kiều giúp ta đọc thông truyện Kiều chữ quốc ngữ, đâu cần phải biết chữ Hán. Các bà mẹ quê ngày xưa thuộc truyện Kiều làu làu, lẩy Kiều hay đáo để. Hơn nữa,  giờ dạy và học chữ Hán nào đây – phồn thể hay giản thể? Trong loạn lạc tùm lum cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông nổi cơn “kách mệnh“ ra lệnh chỉ được dùng chữ Hán giản thể, bãi bỏ tuyệt đối chữ Hán phồn thể -  phức hợp âm và nghĩa. Hậu quả nhãn tiền.  Không những không triệt hạ được nạn mù chữ ngu dân mà người Hoa lục địa  ngày nay  không hiểu thấu tiếng mẹ đẻ ngay trên đất nước mình, không đọc được cổ văn, mất đi tính bản thiện, trở nên “ Gian manh nhận địa phân thiên. Hỗn mang thế thái đảo điên  nhân tình.

 

Chính người Hoa loay hoay hoài la tinh hoá tiếng mẹ đẻ trước ta năm, sáu  chục năm, hòng thoát cái văn tự khốn kiếp, lac hậu, kim hãm tiến bộ -  học chữ nào biết chữ nấy, cùng một chữ mỗi nơi một cách đọc, nhưng đâu có được.  Ghen ăn tức ở, quay ra chê bai  đủ điều chữ quốc ngữ ta ngoằn ngoèo, đội nón, đi guốc. không vuông vức, sao còn viết thư pháp được nữa đây !?

 

Tiếng Việt la tinh hoá hoàn hảo không chỉ là cơ duyên khai hoá, thoát Trung mà còn là minh chứng tiếng Việt linh diệu.  Bộ chữ cái alphabet roman được dùng để kí âm tiếng Việt không có các phụ âm bật hơi aspirated h, kh, ph, th, nhưng các từ gốc Hy Lạp lại có phụ âm đầu khi, phi, thetha. Các nhà truyền giáo Bồ, Pháp, Ý không câu nệ dùng để ghi rẩt trúng các âm tắc bật tiếng Việt, đảm bảo nguyên tắc ngữ âm học mỗi kí hiệu ứng với một âm vị, và ngược lại, đọc sao viết vậy, viết sao đọc đúng thế.

 

Ngày trước, cao đẳng tiểu học ba lớp cuối cấp đã học tiếng Pháp, chuẩn bị lên trung học toàn bằng tiếng Pháp. Trợ thủ cưng nhứt của giáo sư tiến sĩ Hồ Ngọc Đại trong dạy thực nghiệm và soạn sách giáo khoa công nghệ giáo dục, ông Phạm Toàn, từng học mấy năm trung học thời Tây, giả ngây ngạc nhiên sao các trí thức ta ngày trước giỏi tiếng Việt thế. Sau năm 1945, từ tiểu học đến đại học, dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Việt. Sở dĩ ở ta, thực dân Pháp không lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức, như ở các thuộc địa bắc Phi thuộc Pháp, là vì tiếng Việt la tinh hoá chữ viết hoàn chỉnh, phong phú, trong sáng, diễn tả trôi chảy, khúc chiết, văn hoa tư tưởng, khoa học, văn hoá, không thua gì tiếng Pháp.  Ngày nay, tiếng Pháp vẫn được giữ làm ngôn ngữ hành chính, ngoại giao ở một vài quốc gia bắc Phi trước đây là thuộc địa.

 

Giữa thập niên ba mươi thế kỉ trước, thạc si toán Hoàng Xuân Hãn rời Paris về Hà nội dạy học trò trường Bưởi. Tham gia Hội truyền bá quốc ngữ, ông bày ra cách học bình dân học vụ đánh vần i tờ, lấy âm làm trọng tâm, phớt qua mặt chữ. Xướng nguyên âm trước tiên, nối với phụ âm theo sau thành vần, rồi ngược lên kết với phụ âm trước thành tiếng: e mờ em, sờ em xem! Khác hẳn cách dạy và học chính qui ở trường, đọc trực tiếp từ chữ đến âm, ghép lại thành tiếng một cách tự nhiên, tuyệt nhiên không đánh vần, Cả một năm vỡ lòng ngày trước học chữ, đọc thông theo mặt chữ, viết thạo đúng chữ, và hai phép tính cơ bản cộng và trừ. Chậm nhưng rất chắc, đúng theo qui tắc ngữ âm học, không tái mù chữ.  Lớp đồng ấu hiện nay ở Mĩ chỉ học đọc reading  và viết writing tiếng Anh.

 

Học theo lối đánh vần bình dân học vụ i tờ rất nhanh, nội trong một tháng đã có thể biết đọc, còn viết thì chưa chác . Chỉ lãng một thời gian là mù chữ trở lại liền: Ai về chợ Viền Khánh Vân. Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa. Đánh vần năm ngoái năm xưa. Năm nay quên hết như chưa học vần. Lại còn viết sai chính tả tùm lum: con cái chanh dành (tranh giành) nhau của cải để giành (dành) của bố mẹ, khuếch thành khuyếch, gần như không đánh vần, không viết được: khúc khuỷu. Nhất là xướng âm lẫn lộn, không trong sáng các chữ cái từ nước ngoài viết tắt: Gờ đê pê GDP, nhóm Gờ bảy - G7 viết tắt tiếng Anh Group of Seven: Nhóm bảy nước.  Rồi thành chuyện tiếu lâm, đăng đàn quốc tế mà ông thủ tướng nhà ta cứ như học trò hồn nhiên tập đọc: Cờ (Campuchia) Lờ (Lào) Mờ (Myanma) Vờ (Việt Nam)…

 

Nhiệt tình, Hoàng Xuân Hãn bày cách đánh vần bình dân học vụ để nhanh chóng xoá nạn mù chữ mà không thấy chữ viết là một hệ thống kí hiệu ghi âm trên giải thuyết chuyển tiếng nói thành ngôn ngữ văn tự, có cấu trúc chặt chẽ, không thể thao tác vô lối – ngược lại từ âm đến chữ.  Những tiến sĩ dỏm tu nghiệp lôm côm ở Bắc Kinh. Mạc Tư Khoa liều lĩnh cải cách chữ quốc ngữ đã thành chuyện nực cười. Chung qui vì lợi ích nhóm, buôn chữ, bán sách giáo khoa! Thành phố Hồ Chí Minh không chấp nhận sách giáo khoa Tiếng Việt lớp1 Công nghệ giáo dục, Đà Nẵng bác bỏ, Tiền Giang cấm. Gia Lai đốt.

 

Một thày tu hậu duệ cha A-lich-sơn Đắc-lộ ở Cồn Sẻ, Quảng Bình, chọn ra một trăm học sinh lớp hai trường tiểu học địa phương đã qua lớp một, học trọn vẹn ba tập Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, để khảo sát. Kinh hoàng, hầu hết đọc ngắc nga ngắc ngứ, một số chữ đánh vần không xong, còn viết thì nhầm lẫn be bét các chữ cái c, k, q: con kua (cua) bò cua (qua) đường, kủ (củ) khoai trên cái thước qẻ (kẻ), mùa suôn (xuân), xang (sang), nge (nghề), ngiep (nghiệp)… Ông cha đạo gia tô hiền từ không một lời chê trách, phê phán bộ sách giáo khoa, hai tay giơ lên ba tập Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục màu sắc rõ đẹp và sấp giấy viết sai chính tả không thể tưởng tượng của học sinh lớp hai, lặng lẽ đặt câu hỏi vì đâu, ai chịu trách nhiệm thực tế phũ phàng, đau xót này.

 

Sau biến cố tháng 4-1975, dễ đến trên dưới triệu người Việt phải bỏ nước ra đi, được tiếng thơ Lưu Quang Vũ khắc hoạ: “… phiêu bạt nơi chân trời góc biển “, nhưng vẫn “…gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya.  Dù “Trái đất rộng giàu bao thứ tiếng  Cao quí trầm hùng rực rỡ vui tươi “, nhưng chỉ một “ Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim… Như vị muối chung lòng biển mặn. Như dòng sông thân thiết chảy muôn đời “ Một cô gái Mĩ gốc Việt lên facebook, bằng chữ quốc ngữ chuẩn, tâm sự về di huấn của bà ngoại ngoài tám mươi vừa mới mất:  Bà nhắc đi nhắc lại con cháu phải mang hộ chiếu Mĩ rằng những người Việt chúng ta bần cùng bất đắc dĩ phải lưu vong, nhưng ơn trời phật mang theo được của gia bảo: tiếng mẹ đẻ. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại phải hết lòng gìn giữ tiếng Việt trong sáng để trường tồn. Ngay ngày đầu rời đất mẹ, bà hăng hái xung phong, miệt mài dạy tiếng Việt cho trẻ ở nhà thờ, sau buổi lễ mỗi sáng chúa nhật. Giờ, một số lớp dạy tiếng Việt nhỏ lẻ tự phát ấy đã thành các trường Việt ngữ phổ biến ở nhiều bang, từ bờ đông sang bờ tây Hoa Kì, gây sự chú ý với cả người Mỹ gốc Âu về cái họ goi là văn hoá khoanh tay Trong các buổi học tiếng Việt, bất kể học trò lớn bé nào cũng ngoan ngoãn đứng lên, nghiêm trang khoanh tay, lễ phép thưa thốt từng tiếng từng lời trang trọng với thày cô. Cái văn hoà khoanh tay ấy như một ngôn ngữ cử chỉ giới thiêu: Tôi, người Việt đây Tự hào biết mấy tiếng Việt thân thương.

 

Xuất ngoại. tiếng Việt thêm giá trị sứ giả ngôn ngữ cao đẹp. Thật tình ngưỡng mộ khi còn là sinh viên, nay lại càng bất bình những thiên kiến độc địa của những kẻ đầu óc hẹp hòi, mưu tính đầu cơ, hướng dẫn viên du lịch tên Trường lặn lội các nghĩa trang Iran Ba Tư tít bên tây Á, tìm mộ cha A - lịch - sơn Đắc - lộ (Alexandre de Rhodes), nhà truyền giáo dòng Tên, nhà ngôn ngữ học xứ Avignon, Pháp. Còn hơn cả đáy bể mò kim, cha đạo công giáo mất đã hơn ba trăm năm rưỡi, trên đất nước quốc giáo đạo Hồi, táng nhờ nghĩa trang mênh mông 300 ngàn mét vuông của người thiếu số Armenie. May mắn, những người bạn trẻ Iran cùng nghề ngưỡng mộ, thông cảm nguyên vọng thiêng liêng,cao cả của đồng nghiệp Việt, lần tìm và chắp nối từng thông tin nhỏ nhoi để tìm bằng được mộ cha Đắc - lộ lạc lõng giữa những ngôi mộ vô thừa nhận Tất cả thành kính đặt chậu hoa tím trên ngôi mộ cổ mấy trăm năm, lần đầu tiên được tảo mộ, trang nghiêm cúi đầu tưởng niệm một linh hồn công đức với người Việt, với tiếng Việt, nhưng lại bị lãng quên, thậm chí còn bị những kẻ táng tận lên án, kết tội.  Năm ngoái, giáo sư hưu trí trường đại học Liège, vương quốc Bỉ, Nguyễn Đăng Hưng, 77 tuổi, đi dựng văn bia “Tri ân cha Alexandre de Rhodes đã có đóng góp to lớn trong việc tạo tác chữ quốc ngữ - chữ Việt viết theo kí tự latin “. bằng bốn thứ tiếng – tiếng Việt trong sáng, Pháp, Anh, A rập. Phải qua ba ải: Cục quản lí văn hoá thành phố Isfahan, một trong bốn trung âm kinh tế văn hoá Iran,  Ban giao dịch công chúng  nhà thờ VANK. Ban quản lí nghĩa trang cơ đốc giáo Isfahan. Lòng thành được chúa chứng giám, hanh thông vô cùng. Ông giám đốc Cục quản lí văn hoá thành phố Isfahan bắt chặt tay giáo sư Nguyến Đăng Hưng, chân thành: “ Tiếng Việt dạy chúng tôi lòng biết ơn “ . Không tri ơn sao được, tiếng nói của người Việt được chắp cánh văn tự la tinh bay lên, thoát ao tù nước đọng tăm tối, nhờ ở ai !

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 19-8-19