TẾT TA TẾT TÂY

TẾT TÀU TẾT VIỆT

TẾT HAY TẾT DỞ!

Huỳnh Ngọc Trảng

 

Trong bài trả lời phỏng vấn VTC News ngày 09-01-2017, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết: “Từ thời điểm bài viết nhan đề “Tết “hội nhập” tại sao không” được báo chí đăng tải, tôi nhận được nhiều tranh luận. Tôi rất mừng khi số ý kiến ủng hộ ngày càng nhiều hơn trước, nhất là các ý kiến được nêu trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình lo sợ rằng việc ăn Tết hội nhập có thể làm mất bản sắc dân tộc, không hợp với tiết trời”. 

1. Việc giữ tập tục ăn Tết theo lịch ta truyền thống và việc đề nghị thay đổi: ăn Tết theo Tết dương lịch trở thành vấn đề thời sự. Người ủng hộ thay đổi (gọi tắt là Đ) cũng nhiều và người phản đối (gọi tắt là K) cũng không ít. Các ý kiến tranh luận không chỉ bàn mỗi việc thay đổi ngày ăn Tết mà còn bàn thêm nhiều vấn đề liên quan đến Tết và mỗi phe đưa ra nhiều lý do để biện luận cho ý kiến của mình.

Lý do chính yếu của phe Đ là lý do kinh tế: (1)Ăn Tết ta (lẫn Tết Tây) như hiện nay là lệch pha trong hoạt động kinh tế, giao lưu đầu tư thương mại với các nước phát triển phương Tây. Ăn Tết như truyền thống là bất hợp lý: Cả thế giới nghỉ thì mình làm việc xối xả, họ làm việc thì mình… nghỉ; (2) Tết ta làm cho các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì phải tổ chức nghỉ Tết làm 2 kỳ dương lịch và âm lịch cho hai nhóm lao động trong nước và nước ngoài tạo nên trì trệ không đáng có. Nhập Tết ta vào Tết Tây, giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có hợp đồng đối tác vào đầu năm dương lịch…; (3) Sau Tết Tây, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý thường tổng kết xong lại lao vào chuẩn bị ăn Tết ta; ăn Tết ta kéo dài đến rằm tháng giêng âm lịch, thực sự mới quay lại guồng làm việc. Nước ta nghèo, năng suất lao động thấp, lại nghỉ nhiều hoặc làm việc với nhịp độ thấp thì rất khó mà phát triển. Ngoài ra, phe Đ còn đưa ra lý do văn-xã (ăn Tết mua sắm xả láng, lãng phí hơn là lợi ích kinh tế, từ việc ăn nhậu dẫn đến tệ nạn, tai nạn giao thông; lại thêm nạn quà cáp, biếu xén dưới dạng hối lộ…) tức cần thiết phải thay đổi nếp ăn Tết cũ. Đồng thời, một số ý kiến cũng đưa ra lý do chính trị-văn hóa: Tết âm lịch là Tết Tàu do bọn xâm lược Trung Quốc áp đặt nên phải bỏ vì nó không là sản phẩm văn hóa Việt; bỏ Tết âm lịch là một trong những nỗ lực “thoát Trung” rất cần thiết ở thời điểm nguy hiểm hiện nay.

Phe K phản biện rằng: Trung Quốc, Singapore ăn Tết âm lịch vẫn phát triển mạnh mẽ. Cái tiêu cực là do cách ăn Tết chứ không phải do việc ăn Tết theo âm lịch. Do đó, có đổi ngày ăn Tết theo Tết Tây mà không chấn chỉnh cách ăn Tết, các thói xấu và thực thi nghiêm kỷ luật lao động … thì mọi việc vẫn như cũ. Thói xấu là do con người chứ không phải do Tết. Về mặt văn hóa, thì Tết ta là phong tục tập quán nghìn đời mà cha ông đã phải mất hàng ngàn năm xương máu gìn giữ mới có được nên phải gìn giữ, Tết ta là bản sắc văn hóa của dân tộc nên dù hiện đại hóa như thế nào đi nữa cũng phải giữ cái hồn của văn hóa Tết: Cúng tế tổ tiên, đoàn tụ gia đình, giúp chúng ta hướng về nguồn cội. Lại nữa, Tết âm lịch là Tết theo lịch trăng lunar new year chứ không phải là Chinese New Year/Tết Tàu; thậm chí đó là sản phẩm văn hóa Bách Việt mà dân tộc Hán bắt chước. Do đó, không phải vì xu hướng bài Trung thời thượng mà đòi bỏ Tết ta…Phe K cũng có ý kiến cho rằng, ăn Tết theo dương lịch thì trái với tiết trời xuân: không hoa mai, hoa đào; không có tiết trời lành lạnh; lại có vùng như miền Trung, Tết Tây nhằm tháng 10, tháng 11 âm lịch là tháng mưa lụt não nề. 

2. Nhìn chung, các ý kiến tranh biện, trừ một số bài viết có phân tích, dẫn chứng dữ liệu, số liệu để biện giải việc hay dở, đúng sai khả đắc, còn đa phần là các ý kiến cốt tỏ rõ quan điểm của mình nhằm tạo ra phản ứng nơi người khác để kích động tranh luận, thậm chí hướng chủ kiến của mình vào những vấn đề “máu lửa” rất xa chủ đề chính. Điều này, hẳn nhiên hoàn toàn khác với loại ý kiến, bài viết có chứng cứ của các ngành học thuật. Các ý kiến tranh biện mang tính chất “nhị biên” của phái Đ và phái K trên các diễn đàn ắt sẽ biến sự việc trở thành câu chuyện dài bất tận, không có hồi kết. Rõ ràng ở cục diện sôi động này có thể nhân ra sự đối chọi thâm căn cố đế của hai xu hướng: một là, chủ nghĩa tiến bộ; và hai là, chủ nghĩa văn hóa. Mỗi phái kiên định “logic bài trung” của mình và trung thành tuyệt đối với quan điểm “truyền thống và hiện đại là bất tương dung” nên đã không nhận thức rằng thực thể văn hóa “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” là một chỉnh thể mà cho đó chỉ là sự cộng tồn của hai đại lượng như một phép cộng số học. Nói cách khác, ở bất cứ tọa độ địa lý-lịch sử nào, mỗi cộng đồng/dân tộc đều phải tiến hành tổng hợp mới-cũ và tích hợp nội-ngoại để xác lập nên cơ cấu văn hóa đương đại phù hợp cho cuộc sống thời đại mình, tức mọi thứ đều luôn thay đổi, văn hóa cũng như các tập tục cũng không thể bất biến. Do đó, vấn đề là chúng thay đổi do đâu, các nhân tố làm cho sự thay đổi đã hội đủ chưa và thay đổi theo cách thức và xu hướng nào… 

3. Tết là lễ tiết nông nghiệp vốn được tổ chức vào một thời điểm liên quan đến chu kỳ canh tác nông nghiệp hàng năm: hoặc đó là lúc kết thúc vụ mùa, tức sau khi gặt/thu hoạch lúa; hoặc khởi đầu chu kỳ canh tác vụ mùa mới. Trường hợp trước, Tết được gọi chung là lễ Mừng lúa (Tết Giã rạ)… như các dân tộc ở Trường Sơn-Tây Nguyên, hay các dân tộc miền núi phía Bắc. Trường hợp sau, tiêu biểu là lễ Chôl Chhnăm Thmây (vào Năm Mới) của người Khmer Nam bộ: tổ chức vào khoảng giữa tháng tư dương lịch – mùa mưa bắt đầu và đó là thời điểm chuẩn bị cho việc cày bừa, gieo cấy vụ lúa mới trong năm. Nói chung, dù tổ chức Tết sau mùa gặt hay đầu mùa cấy thì thời điểm đó là thời điểm chuyển mùa: hoặc mùa đông sang mùa xuân, hoặc mùa nắng khô sang mùa mưa. Điều đó, đã chỉ ra rằng Tết là thời điểm kết thúc và khai mở công việc làm ăn theo chu kỳ tiết thứ hàng năm.

Thông tục, Tết được coi là lễ tạ ơn Trời Đất, thần linh và Tổ tiên đã phù hộ cho công việc làm ăn, canh tác trong năm qua và cầu mong sự phù hộ cho người yên vật thịnh trong năm tới. Đây là chức năng tâm linh của Tết. Khoảng khắc thời gian ba ngày Tết mặc định cảnh giới con người được sống chung với tổ tiên và thông linh với các thế lực thiêng của vũ trụ. Ở đó, sự giao tiếp ấy, những hạt giống hy vọng mới nảy mầm, sẽ làm sinh sôi thái độ mới, những khát khao mới và đồng thời, sự “hồi đầu qui bản” sẽ giúp chúng ta nối kết quá khứ-truyền thống với hiện tại-đương đại, theo đó tương lai được xác lập như sự liên tục thủy chung.

Tết còn đáp ứng nhu cầu xã hội. Tết đoàn viên hiểu theo nghĩa đây là dịp liên kết các thành viên của gia đình, gia tộc và mở rộng ra chòm xóm, cộng đồng, thân hữu. Một mặt, nó có hiệu năng hòa giải tạm thời những điều trái ngược/xung đột, củng cố và tân trang các mối quan hệ, khắc phục sự cô đơn của từng người bằng hơi ấm của tất cả. Đồng thời, Tết là dịp thư giãn, gát lại sự bon chen danh lợi để nghỉ ngơi, giải trí – để cùng nhau tham dự vào các trò chơi, trò diễn, các cuộc tiệc, những bữa ăn tập thể thân tình… 

4. Nói chung, Tết là lễ hội chuyển mùa đa chức năng và đã trở thành khoảnh khắc thời gian thiêng mặc định trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, như lẽ vô thường của vạn hữu, một trong những đặc tính cơ bản của văn hóa là tính chất luôn thay đổi và Tết cũng không phải là ngoại lệ.

Theo tài liệu thư tịch cổ: Người Việt không biết Tết, không biết năm (theo lịch Trung Hoa) mà cứ lấy ngày Sửu tháng Tám làm ngày hội, già trẻ đi chúc tụng nhau, coi đó là ngày đầu năm[1] . Dấu tích của tập tục ăn Tết vào tháng Tám là hình bông lau trên đồ hình hội mùa khắc trên mặt trống đồng. Điều đó đã chỉ báo tập tục Tết Thu – mùa bông lau trổ bông và cũng khế hợp với thời điểm kết thúc vụ lúa mùa Tháng Tám, được gọi “mùa bát ngoạt”[2] duy trì mãi đến sau này. Như vậy, thời điểm tổ chức lễ Tết chí ít đã một lần đổi từ Tháng Tám đến tháng Giêng âm lịch (tức lịch Tàu) .[3] Chúng ta không có dữ liệu nói về nguyên nhân của sự thay đổi này, song có thể đoán định là do ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc thời Bắc thuộc và ở đó cũng do sự chuyển đổi theo tiến trình thay đổi chung của cuộc sống, đặc biệt là sự thay đổi trong hoạt động canh tác làm ăn theo một nông lịch mới. 

5. Nói chung, ở bất cứ cộng đồng nào, bản thân con người liên tục tìm ra cái mới và hủy bỏ các yếu tố khác. Tiến trình văn hóa luôn được thực hiện từ sự đổi mới, do sự khám phá hay sự tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh – hoặc tự nhiên hay áp đặt; theo đó, cái hiện có được tổng hợp với các yếu tố mới hay tích hợp với các yếu tố bên ngoài thành một dạng thức có khả năng đáp ứng cho những yêu cầu của thế nhân. Lễ hội cũng đổi thay theo sự biến đổi chung…

Rõ ràng là ngày xưa, cuộc sống của con người cứ như là sự mô phỏng ý đồ vũ trụ; ở đó, người ta thể hiện, người ta hình dung những mối quan hệ vô hình mà con người duy trì với tự nhiên và qui luật vận hành của nó qua chu kỳ “tứ thời bát tiết” (8 tiết trọng trong 24 tiết:gồm tứ lập,nhị phân,nhị chí). Các nghi lễ tứ thời tiết lạp hàng năm khế hợp với một nông lịch, tức toàn bộ lịch mùa vụ của hoạt động canh tác nông nghiệp. Cuộc sống, việc làm và lễ lạc luân phiên đổi thay cùng nhịp điệu của chu kỳ biến đổi của thời tiết, khí tượng, thủy văn. Quy luật vận động của vũ trụ thế nào đều được con người dựa vào đó mà tiến hành toàn bộ các hoạt động từ lao động sản xuất đến sinh hoạt vui chơi, lễ hội theo chu kỳ này. Đó là những gì có phần khác với cuộc sống ngày nay; ở đó, xu thế nổi bật là càng ngày con người càng nỗ lực tách qui luật tự nhiên ra khỏi qui luật xã hội; theo đó, hiện tại, lấy nền tảng của tính hợp lý và dựa vào niểm tin khoa học, người ta tin rằng xã hội và mọi vấn đề có thể thay đổi bằng tác động của ý chí.

Đặc điểm của xã hội hiện đại biểu hiện trước hết là sự sụp đổ của các cộng đồng truyền thống nhỏ. Hiện đại được tiến hành trong các thể chế khác với gia đình – gia tộc. Ở đó, xã hội càng lúc càng mở rộng cho quyền tự quyết của cá nhân trong sự chọn lựa và thị hiếu, đồng thời gia tăng tính đa dạng trong các mẫu niềm tin; chuẩn mực duy lý và khoa học trở thành cơ sở chủ đạo trong các quyết định và đặc biệt, định hướng tương lai và nhận thức về thời gian ngày càng trở nên quan yếu. Theo đó, trong xã hội hiện đại, lễ hội mất dần đi tính linh thiêng, nhưng do yêu cầu cố kết cộng đồng nên lễ hội được duy trì một cách tự giác với nhiều biến thái mới mẻ và tự nó chỉ còn là thiết chế bảo vệ sự tái sinh nhằm tái tạo sợi dây liên kết các thành viên của một xã hội. Bấy giờ, điều cốt lõi không phải là sự linh thiêng-huyền bí; theo đó, trong nội hàm của “văn hóa tâm linh” các thành tố thù thắng là những gì giúp con người hướng thượng, hướng đến chân-thiện-mỹ, thúc đẩy những ước mơ và khát vọng nhân văn và tiến bộ vô hạn của mình. Sự tinh lọc nội dung lễ hội lạc hậu và sự tích hợp các nội dung mới tiến bộ, rõ ràng sẽ hướng đến các giá trị phổ quát hơn là những gì được coi là bản sắc đặc thì của cộng đồng/dân tộc… Sự mất mát bao giờ cũng gây nên sự tiếc nuối, song sự luyến tiếc quá khứ là một mặt và mặt khác của sự việc là phải mở to mắt để nhận ra những tội nợ của quá khứ mà chúng ta đang gánh chịu. Chúng ta tôn vinh truyền thống tốt đẹp của cha ông, song xin đừng là tín đồ của truyền thống, nhất là sự cuồng tín dân tộc chủ nghĩa, hiện là mốt thời thượng có phần phổ biến với nhiều cấp độ và hình thái khác nhau như là một dạng phản ứng tự phát thường thấy trước những thay đổi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và của thời đại hội nhập.

HUỲNH NGỌC TRẢNG


 

[1] Gốc: Thái bình hoàn vũ ký. Dẫn lại theo Lê Thị Nhâm Tuyết: Nghiên cứu về hội làng của người Việt/Tạp chí Văn hóa dân gian, 1984, số 1, tr. 3-6.

[2] Mùa bát ngoạt còn lưu lại trong ca dao, dân ca. Bài đồng dao này là ví dụ:

 Trời mưa lâm dâm/Cây trâm có trái/Con gái có duyên/Đồng tiền có lổ/Bánh nổ thì ngang/Bánh hòn thì béo/Cái kéo thợ may/Cái cày làm ruộng/Cái xuổng đắp bờ/Cái lờ thả cá/Cái ná bắn chim/Cây kim may áo/Cái dáo đi săn/Cái khăn bịt đầu/Cái bầu xách nước/Cây thước đo vải/Cây cải làm dưa/Cái cưa thợ mộc/Cái chốc thày chùa/Đến mùa bát ngoạt/Đôi trạt gánh lúa/Cái búa bửa củi… 

[3]  Trong Kinh Thi, phần nói về nhà Chu, viết: “Niên chung vi thập nguyệt, tuế đầu vi thập nhất nguyệt” (Cuối năm là tháng 10, đầu năm là tháng 11: năm mới bắt dầu từ tháng 11). Cho đến đời Hán Vũ Đế (104 trCN), ban lịch Thái sơ (còn gọi là Hạ lịch) thì mới chính thức qui định tháng 12 là tháng cuối năm, tháng giêng là tháng đầu năm và ngày đầu tháng giêng gọi là Nguyên đán.

 

 Viet-Studies nhận được ngày 21-3-17