Con mắt nhìn thấu nhân sinh

  

Hồ Anh Thái

 

Năm 1992, thầy Thích Chơn Thiện đến Đại học tổng hợp New Delhi làm tiến sĩ thì tôi đang làm thư ký cho đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ. Đã hoàn thành việc học hơn một năm trước đấy, nhưng tôi vẫn thường tự coi mình thuộc cánh nghiên cứu sinh, vẫn thường rủ họ đi thăm các thành quách cung điện ở thủ đô và vùng ngoại vi. Trùng hợp, có mấy nhà nghiên cứu của Viện Triết học lúc ấy cũng sang Delhi nghiên cứu về triết học Phật giáo: Trần Tuấn Phong, bây giờ là phó viện trưởng Viện Triết học. Hoàng Thị Thơ, nhà nghiên cứu kỳ cựu của viện. Văn Thị Thu Hà, giờ là chuyên viên Oxfarm kiêm bình luận văn chương. Còn chuyên gia sử học Hoàng Thị Điệp sau khi về nước trở thành phó tổng cục trưởng ngành Du lịch…

Kể ra như thế để thấy tôi đã rất gần gũi với cánh nghiên cứu sinh ở Delhi, nhất là những người nghiên cứu lịch sử và văn hóa Phật giáo. Đấy là lý do khi gặp thầy Thích Chơn Thiện thì cảm thấy không có ngăn cách và chia sẻ được ngay. Thầy nói đùa thầy là sinh viên mới, còn tôi là cán bộ. Sinh viên mới đã năm mươi tuổi, còn cán bộ thì mới ba mươi hai. Nụ cười rất tươi rất sáng rạng lúc nào cũng nở trên gương mặt thầy. Có khi không cần đàm luận gì nhiều, chỉ nụ cười ấy đã khiến người ta yên tâm, và những điều định nói có thể chẳng cần phải nói ra nữa. Biết đâu, đấy mới chính là triết lý cao nhất của người nhà Phật.

Gần hai chục năm sau, có lần ghé vào chùa Tường Vân ở Huế, đang chuyện trò về những kỷ niệm thời ở Delhi, thầy Chơn Thiện nhắc những ngày sinh viên khó khăn ấy, có lần tôi đến ký túc xá chơi và tặng thầy một cái bình đựng nước uống. Thầy đã nhớ thì chắc là đúng vậy. Thế mà tôi không nhớ. Nghe thầy nhắc lại, tôi chỉ biết cười nhớ lại một thời “chúng ta là sinh viên”.  

Nhưng “sinh viên” Thích Chơn Thiện thì thuộc diện nổi bật trong cánh làm tiến sĩ ở trường về sự uyên bác. Trong đàm luận ở lớp, có những khi giáo sư hướng dẫn đã khiêm nhường mời thầy Chơn Thiện lên giải đáp và trợ giảng. Trò lên giảng giúp thầy, nói nôm na là thế. Hầu như chúng tôi đều hiểu khi ấy thầy, như mọi nhà nghiên cứu, cần du học để có cái bằng tiến sĩ cho chính danh, còn danh chính thì thầy thực sự đã ở tầm tiến sĩ từ lâu.

Trong lời cảm tạ đặt trên đầu cuốn tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, tôi có viết: “Tác giả chịu ơn hai học giả về Phật học trong số các vị cao tăng. Nhờ sự khích lệ bền bỉ cũng như kiến thức thu nhận được từ cuộc đàm đạo với các thầy trong nhiều năm qua, tác giả mới càng thêm cảm hứng để viết cuốn sách này. Việc không nêu tên các thầy ở đây cũng chứng tỏ sự giúp đỡ vô tư đó”.

Bây giờ thì tôi có thể tiết lộ điều không viết rõ trong lời cảm tạ: một trong hai vị cao tăng ấy là thầy Chơn Thiện. Năm 2006, tôi gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết vào Huế nhờ thầy đọc giúp. Thầy đọc, một tháng sau thì gửi qua đường bưu điện lời nhận xét. Một trang rưỡi, chữ thầy rất nhỏ và tròn trĩnh, giống như nét chữ vẫn ghi lời đề tặng trên những cuốn sách của thầy. Chữ nhỏ theo kiểu của người luôn muốn ẩn mình đi, như vậy tức là người rất tự tin và rất tự biết. Cũng có khi đấy chỉ là sự suy diễn của người thế tục chúng ta, mà người tu hành như thầy thì có đấy mà không đấy.

Ngay khi cuốn tiểu thuyết ra mắt lần đầu, thầy Chơn Thiện viết bài bình luận gửi in báo. Từ góc độ một học giả Phật giáo, thầy có những nhận định khái quát: “Tập sách là một tiểu thuyết rõ ràng, mà sao nghe như lời ký sự hành hương xứ Phật? Nghe như ghi chép của một chuyến điền dã, hay một luận văn tiến sĩ Phật học viết nghiêm túc về đề tài: Đức Phật, một nhân vật lịch sử, một nhà đại văn hóa, hiền triết của thời đại? Và cũng nghe như là một Đối chiếu học giữa Phật giáo với 62 học thuyết đương thời của xã hội Ấn?” Trong bài viết, thầy phân tích tỉ mỉ một số chi tiết mà thầy rất đồng cảm và chia sẻ. Chẳng hạn với chi tiết nàng Savitri có khả năng nhìn xuyên thấu màn sương mù ở biên giới Ấn Độ - Nêpan, thầy bình: “Tác giả diễn tả tuyệt vời về cảm nhận vô minh. Mọi người của các vùng văn hóa thì không thấy đường. Chỉ có nàng Savitri, chứng nhân của Giáo hội Phật giáo thời Đức Phật, là thấy rõ”. Thầy còn viết về việc xây dựng hình tượng tướng cướp Anguli Mala, hoặc: “Sự kiện trọng đại Giác Ngộ của Đức Phật, nhà văn Hồ Anh Thái đã thoát ra khỏi hình thức kinh viện, giới thiệu bằng ngôn ngữ tiểu thuyết”…

Kể lại hơi cụ thể một chút để thấy sự tận tình chu đáo của thầy Chơn Thiện với bản thảo một cuốn sách. Cả sự trân trọng và nồng nhiệt của bậc tu hành trước một thành quả văn chương. Khi tôi vào Huế, chính nhờ thầy kết nối mà có thêm một người bạn vong niên. Anh Nguyễn Hữu Đống, một trí thức đặc biệt, người có cảm nhận văn chương thật thấu đáo. Anh Đống khi ấy đã một lần bị tai biến não, hơi nói lắp, nhưng phân tích văn chương thì thật say sưa và đầy tính thuyết phục. Lúc anh Đống chưa đến, thầy Chơn Thiện kể về anh: Ông ấy phê cả tôi nữa đó, bảo rằng thầy còn nhiều chỗ chưa hiểu, nhưng nói về cuốn Savitri thì ông ấy có thể ca tụng hàng giờ. Một lát sau anh Đống phi xe máy đến, giọng run run và nói lắp nhưng vẫn say sưa phân tích tác phẩm. Rồi chứng thực cho lời thầy Chơn Thiện, anh nói như được đà: Thầy tinh thông giáo lý và những vấn đề triết học. Nhưng vấn đề sắc dục trong cuốn Savitri, thầy là bậc tu hành, thầy không hiểu được đâu.

Thầy Chơn Thiện phải là người quảng bác và rộng lượng thế nào mới có những người bạn phản biện theo kiểu anh Đống. Anh đã ra đi một năm trước, thầy Chơn Thiện cũng đã ra đi ngày 8-11-2016. Tôi cứ hình dung hai con người ấy nếu gặp lại nhau ở thế giới bên kia, lại tiếp tục câu chuyện chưa dứt. Một người chỉ cười hiền lành bao dung. Người kia thì vẫn chủ quan lặp lại: Thầy không hiểu được đâu.

Năm 2008, tạp chí Văn Hóa Phật Giáo mà thầy là tổng biên tập tổ chức Tuần Văn hóa Phật giáo ở Huế. Chỉ vì thầy và anh Trần Tuấn Mẫn mời mà tôi nhận lời vào nói chuyện một buổi về văn hóa Ấn Độ. Chuyến đi này là một cái duyên, nhờ thế tôi gặp rất nhiều trí thức Phật giáo cao trọng và uyên bác, nhiều thầy là tiến sĩ đích thực, là người viết sách hẳn hoi, soạn từ điển hẳn hoi. Các vị tặng sách cho tôi, tặng cho tôi cả một ấn tượng về thủ đô Phật giáo của đất nước. Đây là cảm nhận cá nhân, và nếu nó chưa thỏa đáng thì xin được thể tất. Các vị nhiều năm sau vẫn khiến tôi còn thấy lưu luyến và mến phục. Duyên ấy là nhờ thầy.

Đúng là nhờ thầy. Lâu lâu tôi mới vào Huế. Vào thì được thầy dẫn đi thăm một vài nơi, có lần đến khu đền thờ Huyền Trân công chúa mà nghe đâu thầy được mời nhưng đã từ chối dựng chùa ở đó. Thầy vẫn ngụ trong ngôi chùa Tường Vân. Thầy là đại biểu Quốc hội bốn khóa liền, từ khóa XI đến khóa XIV, việc đạo việc đời bận rộn. Có khi tôi chuẩn bị lên thăm thiền viện Trúc Lâm trên núi Bạch Mã thì thầy nói phụ tá là Huệ Trọng đánh xe đưa đi. Tôi từ chối, sợ phiền thì chính Huệ Trọng lại hăng hái chủ động. Thầy trò đều nhiệt tình quá khiến cho mỗi lần vào gặp thầy đều khiến mình áy náy.

Thầy Chơn Thiện hoàn thành luận án tiến sĩ ở Ấn Độ và về nước năm 1996. Tôi về nước từ trước đó, một lần vào Sài Gòn tôi đến thăm thầy ở thiền viện Vạn Hạnh. Vừa mới ngỏ ý nhờ thầy tìm giúp một số sách Phật, thầy liền chạy ngay sang thư viện mang về cho mấy cuốn. Nói: Sách này của thư viện, nhưng xin tặng anh, thư viện sẽ mua bổ sung sau. Khi làm nghiên cứu về văn hóa phương Đông, tôi thường sử dụng nguồn tài liệu của Ấn Độ và phương Tây, cho nên những khái niệm Phật học Hán Việt thường gây khó khăn. Những cuốn sách thầy Chơn Thiện tặng đã giúp tôi nhập môn Phật học bằng tiếng Việt đầy những từ Hán Việt này.

Vẫn là chuyện tặng sách. Một lần gặp khác, thầy bảo sẽ gửi tặng bộ Đại tạng kinh Việt Nam. Tôi tưởng chỉ là ấn bản mới gồm vài ba cuốn rút gọn. Ngờ đâu một thời gian sau nhận được giấy báo nhận bưu phẩm. Ra ga Hà Nội lĩnh thì được cả một hộp hàng to tướng, bên trong là mấy chục cuốn sách dầy bìa cứng màu nâu thẫm. Đại tạng kinh cơ mà. Lúc ấy mới nhớ ra thầy là thành viên sáng lập và trưởng Ban Thư ký Hội đồng Phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam.

Sách thầy viết cũng vậy. Không cuốn nào mới ra mà thầy không gửi tặng tôi một bản. Những cuốn như Phật học khái luận thì mỗi lần tái bản là mỗi lần thầy gửi sách cho. Vẫn những dòng chữ đề tặng, chữ nhỏ, tròn trĩnh, rõ ràng. Họa sĩ Kim Duẩn là người từng vẽ bìa cho mấy cuốn sách của thầy ở nhà xuất bản Trẻ, sách tập hợp những bài thầy viết gửi cho anh Hồ Anh Tài ở tờ báo của Quốc hội. Duẩn có lần nói tôi tìm giúp một cuốn sách nhập môn về Phật giáo, tôi liền tặng lại Duẩn một bản Phật học khái luận. Coi như lộc thầy mình không tận hưởng mà san sẻ bớt sang cho mọi người.

Bên cạnh những cuốn sách luận bàn trực tiếp về tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Việt Nam, thầy viết nhiều tiểu luận và ngẫu bút, tập hợp thành những cuốn: Những hạt sương, Hoa ngọc lan, Trí tuệ và chân thành, Hương còn mãi, Tiếng hót Ca-lăng-tần-già, Tìm vào thực tại… và dịch nhiều sách nước ngoài.

Có khi sách chưa in, mới ở dạng bản thảo, thầy cũng gửi cho tôi đọc trước. Cuốn này thì viết về chưởng Kim Dung, cuốn kia thì viết về Tây Du ký, tất nhiên là khảo sát những cuốn sách ấy bằng cái nhìn Phật giáo. Rất khoa học, rất nồng nhiệt và cũng đầy chất nghệ sĩ.

Và phần mình, năm nào có sách mới ra, tôi cũng gửi tặng thầy. Ban đầu còn ngần ngại, thầy là bậc tu hành, sách mình thì đầy tràn tính trần thế sắc dục. Ấy thế mà thầy đọc hết, khi gặp thì hoan hỉ kể lại cảm tưởng, hoan hỉ kể rằng anh Đống cũng sang lấy về đọc rồi hai người ngồi bình luận với nhau ra làm sao. Anh Đống thì vẫn điệp khúc ấy: Thầy là bậc tu hành, thầy không hiểu được đâu.

Tôi vẫn tin anh Đống nói vậy mà không hàm ý như vậy. Là người sắc sảo, anh thừa hiểu rằng bậc chân tu như thầy Chơn Thiện thì đời là đạo mà đạo là đời. Còn có gì mà qua được con mắt nhìn thấu nhân sinh ấy. Bây giờ cả thầy và anh đều ở bên ngoài vòng sinh diệt, thế mà tôi thường nghĩ cặp mắt ấy vẫn từ đâu đó nhìn về cõi nhân sinh ở bên này.

 

 

 

Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Thiện (1942-2016)

- Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN.

- Đại biểu Quốc hội từ khóa XI đến khóa XIV

- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam.

- Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN.

- Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Trụ trì Tổ đình Tường Vân, Tp. Huế.

- Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh, Tp. Hồ Chí Minh.

- Cử nhân Phật học tại Pháp Hội; cử nhân văn khoa Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn; cao học Tâm lý giáo dục, Đại học Ohio, Hoa Kỳ; tiến sĩ khoa học về Phật học, Đại học tổng hợp Delhi, Ấn Độ.

- Giảng sư tại Viện Phật học Vạn Hạnh; giảng sư tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt; giảng viên trường Cao cấp Phật học thành phố Hồ Chí Minh; phó viện trưởng thường trực Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; phó viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM; viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

 

Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo, số 263, 15-12-2016