Bóng ma tự hù dọa

  

Hồ Anh Thái

 

Chuyện thường thấy là thế này: phóng viên gặp được một người nước ngoài, trong phỏng vấn không quên đặt một câu hỏi. Ông bà nghĩ gì về kinh tế Việt Nam. Nghĩ gì về múa rối nước Việt Nam. Nghĩ gì về dàn nhạc dân tộc Việt Nam. Nghĩ gì về cái này và về cái nọ. Phần lớn các ông Tây bà Mỹ đều cắn câu. Có gì mà không thể trả lời. Những câu có gì nói nấy của họ lập tức được vồ lấy, được trưng lên, như sự phô trương đắc thắng của phóng viên: Đấy nhé Tây nó nhận xét như vậy, Mỹ nó bình luận như vậy, nó thích cái này và không thích cái kia của ta.

Nhà văn Mỹ Wayne Karlin có lần cũng được một cô phóng viên Việt Nam hỏi một câu, đại loại ông thấy văn học Việt Nam nên đi theo hướng nào. Wayne Karlin không cắn câu, ông rất tỉnh táo mà rằng: Văn học Việt Nam có sự vận động tự thân của nó kèm theo ý thức về dòng chảy chung của thời đại. Ý kiến của tôi không thể tác động được gì vào đường hướng ấy.

Nói riêng với tôi sau đó, ông bảo: Tôi biết là cô ấy muốn dùng tôi như một trọng tài, như một chuẩn mực, cô ấy mượn tôi để nhắc nhở văn học Việt Nam. Đó là vai trò tôi không thể và không muốn thực hiện.

Không hề mới mẻ. Không hề lạ. Chủ ý của các vị phóng viên vừa nói ở trên thuộc về hội chứng so sánh. Một số triết gia Âu - Mỹ hiện đại gọi nó là bóng ma so sánh (spectre of comparison). Cái bóng ma ấy nó ám ảnh các nước thời hậu thuộc địa. Là ma nên nó ẩn hiện, nó phủ bóng, nó lảng vảng đây đó, nó có thể là thứ có thể đem ra dọa lẫn nhau. Chủ nghĩa thực dân khi đã đi khỏi các xứ thuộc địa thì vẫn để lại con ma này, cho các bạn bản địa giữ làm vốn, làm của để dành, để có cái mà hù dọa nhau.

Người bình dân thì lan truyền một lối sống mà họ cho là của Tây. Tây nó thường ăn thế này mặc thế này. Tây nó thường xử sự với phụ nữ thế này với đàn ông thế kia. Tây nó thường đeo kính kiểu này xách túi kiểu nọ.

Với hệ thống quản lý nhà nước xã hội, không thiếu những ý kiến như Tây nó tổ chức bầu cử kiểu này lập nội các kiểu kia. Tây nó làm kinh tế kiểu kia và xây dựng các mô hình kiểu ấy.

Với văn hóa nghệ thuật thì Tây nó viết kiểu này, chỉ huy dàn nhạc kiểu nọ, dàn dựng vở diễn kiểu này, làm nghệ thuật đường phố kiểu khác.

Vân vân và vân vân.

Nói chung là Tây nó không làm như ta. Ta làm như thế này là chưa đúng, chưa chính xác, chưa hay.

Những so sánh như vậy nhiều khi là cần thiết, để mà quan sát học hỏi tham khảo bên ngoài, để mà cải tiến mà thay đổi mà phát triển mà không giẫm phải vết xe đổ của người đi trước hoặc người đồng hành.

Nhưng rất nhiều khi so sánh như vậy chỉ nhằm để hù dọa nhau, để không chịu công nhận nhau, để chê bai người đang làm việc trong khi bản thân mình thì không chịu làm việc.

Bóng ma so sánh ám ảnh đã giúp người tạo ra ma dựng lên được một khuôn mẫu một chuẩn mực một thước đo để rồi áp mọi thứ của đời sống đa dạng phong phú vào cái khuôn chật hẹp. Không vừa khuôn là coi như không đúng, không phù hợp, không đẹp không tốt, là coi như bỏ đi. Cái khuôn Tây. Chất thải của Tây. Phân Tây. Người mang ma đi dọa chính là người giẫm phải phân Tây mãi không hết mùi.

Nhiều năm sau này, ở châu Á dấy lên một khái niệm một phong trào gọi là Asianism, tinh thần châu Á. Tinh thần châu Á khuấy động lên phong trào lập lại cân bằng khi mà giá trị phương Tây đang ngập tràn đang lây lan đang bao phủ khắp nơi. Hệ thống thông tin đại chúng đang thiên lệch văn hóa phương Tây được cân đối lại bằng một dòng văn hóa châu Á. Báo chí phát thanh truyền hình chủ ý tập trung khai thác nhiều hơn những giá trị châu Á. Ở ta nhiều năm nay văn hóa Đông Âu bị bỏ quên, văn hóa Nam Mỹ và văn hóa châu Phi bị mờ nhạt, thì nay người làm báo có ý thức cần chú ý cân đối trở lại.

Tinh thần châu Á, tinh thần phương Đông được chú trọng đề cao vào thời buổi này dù sao cũng có cái gì mang tính thụ động, như là sự chống trả, sự phản công hơn là sự chủ động sự tự nhiên. Chắc không tránh khỏi những thái độ gồng mình lên. Chắc sẽ không thể không vấn vương một thời oanh liệt, theo kiểu: phương Đông là cái nôi của văn minh nhân loại, dăm bảy nghìn năm trước, phương Tây còn đang ăn lông ở lỗ thì phương Đông đã xây Kim Tự Tháp Ai Cập, đã xây nhà tắm công cộng và nhà vệ sinh công cộng ở Mohenjo Daro thuộc Ấn Độ cổ đại, đã xây thành quách lâu đài cung điện. Một thời hoàng kim một thời vàng son một thời thành tựu lừng lẫy. Những giá trị xưa được nhắc lại để có thể tiến bước mà tự tin mà không mặc cảm, không phải nhắc lại chuyện ngày xưa ta thuộc loại danh gia vọng tộc để bây giờ có niềm an ủi mà cắn răng chịu cảnh suy vi. Không phải vì quá vãng huy hoàng mà có thể không chịu thừa nhận rằng hiện tại mình đang bị bỏ lại một quãng dài đằng sau.

Nhưng cũng không mặc cảm, không tự hạ thấp, không hoảng hốt trước cái bóng ma dân mình tự tạo ra để tự hù dọa. Lặp đi lặp lại cái tâm lý lấy người Âu - Mỹ làm chuẩn mực làm trọng tài. Giống như tâm lý trẻ con với nhau, có điều gì không tự giải thích được là tao về tao hỏi bố tao. Bố tao bảo đúng là đúng, bố tao bảo sai là sai.

Nhưng mà rất nhiều khi phải như thế này: Âu - Mỹ không phải là bố tao, và ai thì cũng theo dòng phát triển tự nhiên, cũng đến lúc qua thời thơ bé, người ta phải lớn lên và đã lớn lên, phải trưởng thành và đã trưởng thành.

Nguồn: Văn hóa Phật giáo số 262, 1-12-2016