Khai quật và phát hiện

 

Hồ Anh Thái

 

 

Thảng hoặc, vài ba nhà nghiên cứu sục tung các thư viện, rồi tung ra một tác phẩm cũ của những nhà văn đầu thế kỷ XX như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… Như một phát hiện. Như những phát hiện. Đưa in lại trên báo chí bây giờ, reo to rằng phát hiện ra một truyện ngắn của ông này ông kia, bị bỏ quên, bị thất lạc, không được báo chí và công chúng nhắc lại bao giờ. Thậm chí có nhà nghiên cứu còn dụng công trong những chuyến sang Âu - Mỹ, lục lọi trong kho lưu trữ, tìm lại báo chí Việt Nam thời trước, tìm trong vi phim micro film, trong những văn bản đã được quét lại chụp lại, đã chuyển sang dạng PDF, rồi lại reo lên: Phát hiện ra một tác phẩm thất lạc.

Trong một lần nhà nghiên cứu khoe lên như vậy, có một nhà văn đang sung sức bảo: Đừng có làm nhục người ta. Ý của ông nhà văn: đấy đều là tác phẩm non kém của các nhà văn quá cố, đọc lại thì thấy họ cũng có một thời non nớt đơn giản, họ đã viết những cái ấy trong lúc vội vàng, ý tưởng chưa chín, bản thân tác giả sinh thời cũng đã muốn quên nó đi rồi, tác giả không hề cho in lại. Tác giả nếu còn sống sẽ không chịu nổi khi thấy có người lôi cái non nớt ấy của mình ra, kêu toáng lên là phát hiện mới, rồi đưa công bố lại trên báo chí. Đừng có làm nhục người ta.

Anh bạn tôi làm ở một công ty truyền thông thực hiện kế hoạch phát hành lại những bộ phim cũ của điện ảnh Việt Nam. Hầu như các phim đều đã được chuyển sang DVD để phát hành rộng. Anh làm một tuyển tập gồm tất cả phim của một đạo diễn điện ảnh đàn anh. Ông đạo diễn đồng ý. Nhưng khi nhắc đến một bộ phim cũ, làm từ năm 1970, ông đạo diễn xua tay: Chớ, đừng có in lại phim ấy. Xua quyết liệt. Lắc đầu dứt khoát. Ấy chớ. Chỉ đơn giản vì đấy là cái phim như bài tập vỡ lòng mà công chúng đã quên, bản thân đạo diễn cũng muốn quên. Xới lại làm gì. Khơi lại làm gì. Lại nhớ câu: Đừng có làm nhục người ta.

Người nghiên cứu lại không nghĩ vậy. Họ khăng khăng cần theo sát đầy đủ quá trình phát triển nghệ thuật và tư tưởng của nhà văn, không có sự đứt gẫy gián đoạn. Họ sung sướng khi phát hiện ra một tác phẩm của nhà văn đã bị lãng quên. Chẳng nhẽ ta lại vui mừng chỉ để chứng minh rằng những đấng những bậc như vậy khi mới vào nghề cũng chập chững, cũng giản đơn, cũng yếu kém, cũng hoang mang, cũng có khi như người không biết viết. Có lúc non kém là chuyện tất nhiên. Có lúc trồi sụt lên tay xuống tay là chuyện tất nhiên. Có lúc viết vội vì kế sinh nhai vì không kiềm chế được mình là chuyện tất nhiên. Không cần nhà nghiên cứu phải đay lại thì nhà văn và người đọc mới biết cái chân lý giản đơn này. Cũng đừng ngụy biện rằng tác phẩm non kém mới tìm lại được sẽ giúp cá biệt hóa, giúp hiểu thêm sự nghiệp của nhà văn, là bài học kinh nghiệm cho người khác. Xin nhắc lại, bài học kinh nghiệm ấy quá đơn giản, chẳng ai cần mua lấy bài học bằng việc làm tổn thương một tác giả quá cố.

Cũng trong cái mạch kiếm lợi cho riêng mình, một nhà nghiên cứu có lần trách nhà văn quá cố: Ông ấy rất tệ, những bản thảo không in được hoặc văn bản cũ, ông ấy đem đốt hết. Hàm ý trách nhà văn ích kỷ, chỉ nghĩ đến hình ảnh của riêng mình, mà làm khó cho người nghiên cứu về sau. Hàm ý tài sản văn chương của ông là của chung công chúng, không còn là của riêng ông nữa, ông không có quyền xử lý như vậy.

Nhà văn không việc gì sau khi chết lại phải hy sinh một lần nữa, chỉ để giúp cho nhà nghiên cứu chứng minh những chân lý giản đơn. Không hề chối bỏ thời ngây thơ của mình, nhưng nhà văn mong muốn để cho những ngây thơ ấy lặng đi lắng xuống và nguyện vọng cần được tôn trọng. Một nghệ nhân làm tò he chẳng hạn, khi nặn xong, thấy không vừa ý có quyền nặn lại, những con tò he khô ông ta lưu giữ trong nhà, một thời gian sau nhìn lại, thấy nó không đẹp, ông có nhu cầu bỏ nó đi, quên nó đi.

Lại nói chuyện đốt. Một người bạn, tình cờ giở lại đám tài liệu cũ của cha là nhà văn. Tình cờ thấy trong ấy cuốn nhật ký của cha. Đọc. Toát mồ hôi. Có những chuyện chỉ là trong nhà với nhau, không khúc mắc gì, không nguy hại gì, nhưng biết đâu một lúc nào đó nó vào quang gánh của bà đồng nát, rồi chẳng may nó rơi vào tay một nhà nghiên cứu, nó bị nhà nghiên cứu đem in sau khi reo lên. Tính riêng tư cá nhân bị vi phạm. Chỉ có tính văn bản, tính lịch sử, tính bài học của nhà nghiên cứu là đắc lợi. Thế là anh bạn đốt. Đốt hết. Không để sót lại bất cứ cái gì có thể bị lọt ra ngoài, bị lợi dụng.

Hầu như người viết nào có chút tỉnh táo, không ảo tưởng về mình, đều biết mình có lúc như trẻ con tập đi. Chập chững, loạng choạng. Kể cả khi đi vững rồi cũng có lúc trượt chân, có lúc đang đi mà ngã lăn quay ra. Không nhiều người biết chuyện chập chững của mình thì tự mình mình im đi. Nhiều người biết, mà theo tháng năm dần quên, thì mình cũng muốn cho nó rơi hẳn vào quên lãng. Chẳng ai mong có lúc nó bị xới tung lên, bị khơi lại, bị đem ra mổ xẻ đàm tiếu bình phẩm. Vẫn biết khi tác phẩm được công bố, dù bản quyền là của nhà văn, thì nó đã thành sản phẩm xã hội, xã hội có quyền khai thác sử dụng nó. Nhưng không đưa tái bản là chủ ý của nhà văn. Không đưa tái bản là quan niệm. Không đưa in cũng là tư tưởng. Không đưa in lại, không phải vì bị thất lạc, bị bỏ quên, bị sơ suất. Sao quan niệm này của nhà văn không được người đời sau tôn trọng? Không phải chỉ là chuyện bên ta, bệnh này là bệnh chung, bên Âu - Mỹ thỉnh thoảng vẫn có nhà nghiên cứu hét toáng lên khi phát hiện ra một tác phẩm “bị bỏ quên” của Victor Hugo, Bernard Shaw, Hemingway… Các nhà nghiên cứu này cũng không cưỡng được cái bệnh thành tích. Bệnh thành tích khiến họ thiếu mất cái sáng suốt nhạy cảm của một nhà biên tập, không cưỡng được cái ý muốn khoe khoang phô trương.

Thôi. Đừng. Chớ. Cấm. Cấm tiệt. Xin cho hai chữ bình yên.

Có tạp chí gần đây nảy ra ý đưa lên mạng toàn bộ sáng tác văn xuôi đã in trong mấy chục năm qua. Không nên đưa toàn bộ mà nên chọn lọc. Đưa toàn bộ, không khéo tự biến mình thành một cái thùng chứa phế liệu. Chỉ có người viết kém thì mới hưởng ứng cách làm này, mấy chục năm qua họ vẫn viết nhàng nhàng như trước, nay thấy lại cái cũ thì phấn khởi.

Xin hãy tôn trọng sự yên tĩnh đời đời. Không phải cái gì thấy lợi là ta cũng làm. Không phải cái gì pháp luật không cấm là ta cũng làm. Ở đây cần một sự cảm thông của người đời sau. Ở đây cần một sự tế nhị, sự thấu hiểu, sự tinh tế của người nghiên cứu. Có khi tìm ra, phát hiện ra, rồi cân nhắc kỹ, lại thấy là nên ẩn đi, ẩn đi là cách tốt nhất để giúp cho người quá cố.

Những nhà khảo cổ, những nhà chuyên làm nghề khai quật, những nhà chuyên phân tích xác ướp… họ có bao giờ phát hiện ra một cái gì đó mà lại bỏ qua đi, hờ hững lướt qua đi, cho rơi vào lãng quên đi? Có bao giờ như vậy hay không?

Nguồn: Văn hóa Phật giáo, số 275, 15-6-2017

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-6-17