Cưỡng lại ký ức

Tiểu luận
 

Hồ Anh Thái

 

Trong những đêm trường chưa có chữ viết, nhân loại có một hình thức để lưu giữ ký ức của mình. Kể chuyện. Kể bên bếp lửa lúc đêm khuya. Kể lúc hội họp cộng đồng. Kể vào mùa mưa không đi săn bắn hái lượm trồng trọt. Đến mức hình thành một cái nghề là nghề kể chuyện. Người kể chuyện của một cộng đồng hoặc lang thang qua các cộng đồng các bộ tộc các làng xóm. Người kể chuyện nhiều khi được lấy ngay từ người trong cộng đồng mình, một người hoạt ngôn giàu tưởng tượng trí nhớ tốt.

Vậy người kể chuyện phải là người có khả năng ghi nhớ. Chữ viết chưa có, sách vở chưa có, người kể chuyện là bộ nhớ là sách là kho lưu trữ cho cả cộng đồng. Đấy là lý do người ta đặt ra tiêu chuẩn dễ thuộc dễ nhớ. Một câu chuyện phải có cốt truyện mạch lạc rõ ràng, phải có đường dây mà bây giờ gọi là tuyến tính, phải có nhân vật có cá tính để phân biệt với những nhân vật khác… Thơ cũng phải là loại thơ có vần có vè dễ thuộc dễ nhớ. Chữ đâu mà ghi. Sách vở đâu mà lưu. Dễ thuộc dễ nhớ để người sáng tác xuất khẩu thành chương, người phát hành truyền miệng truyền tai, cộng đồng thưởng thức có thể kể lại cho nhau hoặc ngâm nga đọc lại.

Người cổ đại không đánh giá cao việc biết chữ. Chữ nghĩa quan trọng nhưng chỉ để ghi lại những hợp đồng, những giao ước, những biên nhận, những hóa đơn. Tư tưởng và tác phẩm văn chương là những thứ cao siêu, không thể tầm thường hóa bằng cách ghi thành văn bản mà buộc phải nhớ. Phải nhớ. Hầu như các bậc giáo chủ đều không cần đến kỹ năng viết chữ, đồn rằng như thế. Đức Phật, Jesus Christ, nhà tiên tri Mohammad… đều không viết sách. Các ngài ứng khẩu giảng thuyết hoặc xuất khẩu thành thuyết, rồi tư tưởng của các ngài được đồ đệ ghi lại. Ghi lại là chuyện về sau, còn ngay cùng thời thì hầu như phải nhớ và truyền khẩu.

Đấy là lý do vì sao hầu như các bản kinh tôn giáo đều ở dạng thơ. Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo, kinh Koran của Hồi giáo, những câu kinh câu kệ của Phật giáo. Những tư tưởng những giáo huấn đã được làm cho có vần có điệu để tín đồ con dân dễ thuộc. Các bản kinh khiến người ta khâm phục về tính tư tưởng lớn lao uyên bác và nhân ái, đồng thời người ta cũng chiêm ngưỡng những vẻ đẹp tuyệt vời trong cái vỏ ngôn ngữ giản dị đại chúng. Thoáng nhìn đó chỉ là những câu kinh câu kệ đơn sơ.

Đơn sơ. Đấy là đặc điểm của ca dao dân ca. Đơn sơ đơn giản hồn nhiên lôm côm ngây thơ và có khi thiếu logic. Ca dao dân ca rất nhiều khi có tính đồng dao, những vần vè kể xuôi nói lái hồn nhiên của trẻ thơ. Thơ ca là buổi bình minh của loài người, là thời thơ ấu của nhân loại, nó còn giữ nguyên bản tính ấy cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau. Đừng có cố sức tìm hiểu ý nghĩa của những câu như thế này làm gì: Bắc kim thang cà lang bí rợ/ Cột qua kèo là kèo qua cột/ Chú bán dầu qua cầu mà té/ Chú bán ếch ở lại làm chi/ Con le le đánh trống thổi kèn/ Con bìm bịp thổi tò tí te tò te. Có khi cả bài dân ca chỉ có vài câu có nghĩa còn thì chen đệm rất dài là những ố tang ố tang tình tang, những a hội à hừ hội hừ là hư hội hừ…

Vẫn chỉ là những cố gắng để ghi nhớ, để lưu giữ ký ức. Trong nỗ lực ấy, người ta có xu hướng thần phục những người có trí nhớ tốt. Một thần đồng mới mười tuổi không cần giấy bút mà đã làm phép tính nhẩm với dăm bảy chữ số chẳng hạn. Người thời nay trầm trồ tấm tắc, mà người thời xưa coi thường chữ viết chắc chắn cũng phải tôn chú bé này là bậc thiên tài.

Nhưng trong khi thần phục những gì thuộc về trí nhớ, hình như người ta quên mất rằng thời đại công nghệ thông tin này, những người có trí nhớ khác thường như vậy cũng chỉ là một cái máy tính biết đi. Chỉ cần một cái máy tính nho nhỏ trong tay thì hầu như ai cũng làm được những phép tính còn phức tạp hơn chú bé ấy đã làm. Người ta cần là cần những người có khả năng sáng tạo phát minh sáng chế. Và thực tế là rất nhiều nhà phát minh không giỏi làm tính nhẩm. Họ có máy tính để làm việc ấy.

Văn chương cũng đã mang đặc điểm thời đại. Tôi từng dẫn Milan Kundera khi ông nói đại ý thời đại mới có xu hướng sục tìm trong văn chương để lôi ra những thứ có thể chuyển thành phim, và ông cho rằng nhà văn phải viết làm sao để người ta không thể biến truyện của anh thành phim được.

Có lẽ cũng như vậy là việc nhà văn phải viết làm sao để cho người ta không thể kể lại tác phẩm của anh được. Nó chỉ có thể là văn, nó chỉ hay ở văn, nó chỉ hay ở trên giấy trắng mực đen hoặc ở văn bản trong thiết bị đọc sách. Ra khỏi văn bản sách, nó mất cái hình hài của truyện, nó rời rạc, nó mất tính tổng thể, nó vớ vẩn, nó mất tính quyến rũ của ngôn từ.

Tiểu thuyết khi ấy không chỉ là một đường dây xuyên suốt, không chỉ quy các nhân vật về một đường dây hoặc vài ba đường dây. Nó có thể rắc rối hỗn độn xô bồ như thế giới muôn đời này. Nó có thể phức tạp như biết bao hệ tư tưởng trên cõi đời này. Nó có thể ngổn ngang chưa có kết cục như biết bao số phận trên thế gian này. Nhưng tiểu thuyết ấy hấp dẫn trên từng trang, hấp dẫn ở văn, hấp dẫn ở chi tiết ấn tượng, hấp dẫn ở cách dẫn dắt và lôi kéo người đọc đi theo nó. Đọc xong người ta có thể quên câu chuyện, người ta có thể không nhớ và không thể nhớ. Khi đang ăn một món ngon, hương vị cuốn ta đi, thế là đủ, một tháng sau có thể ta không còn nhớ ngày này tháng trước ta ăn gì. Khi còn ít tuổi, ta đọc sách rồi nhớ và kể lại vanh vách. Khi đã trưởng thành, ta chỉ cần sống với khoảnh khắc đọc cuốn sách, thấy nó hay ở khoảnh khắc ấy, xúc động và thấm thía trong khoảnh khắc ấy, rồi sau đó gấp sách lại, ta có thể không kể lại được nữa. Tiểu thuyết thời nay những cuốn hay là hay theo cách như vậy.

Rồi cả thơ. Muôn đời nay và muôn đời sau người ta vẫn còn đề cao sự lưu giữ ký ức, vì thế người ta vẫn cười những thứ thơ không vần. Nhưng thơ cũng đã cưỡng lại ký ức, cưỡng lại những nỗ lực ghi nhớ nó. Thơ hay không chỉ là để đọc ra miệng, không chỉ là để đọc trước đám đông, đọc trên quảng trường. Thơ hay còn là thứ chỉ có thể tồn tại trên văn bản để đọc bằng mắt, được nghiền ngẫm trong khoái cảm lặng lẽ, trong âm thầm tâm trí. Người viết và người đọc cũng không nên hiểu nhầm rằng thơ ấy chỉ là một thứ văn xuôi xuống dòng không vần không điệu. Những bài thơ hay dù không vần thì vẫn có nhạc điệu trong ấy, cả tư tưởng và cảm xúc trong ấy nữa.

Những nỗ lực cưỡng lại ký ức ở ta vẫn chập chững vì người viết và người đọc vẫn còn thiếu một cái nền kiến thức văn chương cơ bản. Đúng vậy, văn chương còn là kiến thức. Một ví dụ: một nhà thơ nỗ lực theo đuổi việc chống lại ký ức, nhà thơ ấy đã làm ra một thứ thơ không vần gây được chú ý, nhưng cũng chính ông khi phát biểu về văn xuôi thì lại đòi văn xuôi thời nay vẫn phải có nhân vật khiến cho người ta nhớ.

Nhớ. Cái gọi là trí nhớ là ký ức ấy. Nó bám theo nhân loại ngay cả khi có thể nhân loại không còn cần đến nó. Các loại máy tính lưu trữ vô vàn dữ liệu đã thay cho hàng triệu bộ óc người. Một cái đầu người không thể lưu giữ nổi hàng triệu bài thơ bài kinh bài kệ, không lưu giữ nổi hàng triệu cuốn tiểu thuyết. Đã có nhiều phương tiện lưu giữ giúp ta.

Thế thì hóa ra trí nhớ vẫn là thứ thuộc về bản tính, bẩm sinh, ban sơ, ám ảnh nhân loại ngàn vạn đời.

Không hề quá lời. Ngay chính thời này này thôi, một kỹ sư máy tính vẫn có thể thích sử dụng lối nói vần vèo theo kiểu kinh kệ đồng dao: ngất trên cành quất, ngon lành cành đào, nhỏ như con thỏ trên đồng cỏ…

Đã đăng trên báo Văn Nghệ  ngày 3-9-16

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 1-9-16